Đối với Android, Google đã không công bố lượng người dùng nâng cấp phiên bản mới kể từ tháng 5/2019, do đó việc so sánh có thể không chính xác. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế, phiên bản Android 10 khó lòng đạt được cột mốc 50% như iOS 13.
Trong khi đó, số liệu Google cũng cho thấy có tới 14,5% thiết bị Android còn chạy Android 5.0 Lollipop (ra mắt năm 2014), còn Android 8.0 Oreo là phiên bản phổ biến nhất với 27% người dùng. Riêng Android 9 hiện chỉ chiếm 10,4% trong tổng số thiết bị Android sau 9 tháng ra mắt, một con số không quá cao.
Sự so sánh giữa iOS và Android được đánh giá là khập khiễng và không công bằng do mô hình kinh doanh thiết bị chạy hai nền tảng này khác nhau. iOS chỉ có Apple làm chủ, trong khi Android phân mảnh rất cao do có hàng trăm công ty điện thoại sử dụng. Tuy nhiên, những con số đó đã làm nổi bật thành công của Apple trong việc kiểm soát hệ thống chính họ và phân phối bản cập nhật cho người dùng cơ sở.
Thực tế, mỗi lần triển khai nâng cấp Android là mỗi lần phức tạp. Google phải đưa bản mới cho từng nhà sản xuất, sau đó mỗi nhà sản xuất lại phải áp dụng các tùy chỉnh và thay đổi giao diện người dùng của riêng mình. Đó là chưa kể họ còn phải kiểm tra từng biến thể của nhà mạng và triển khai theo vùng. Có thể Android vẫn được cập nhật hàng tháng, nhưng đó chỉ là các bản vá bảo mật từ Google, không phải là các bản chính với tính năng lớn được bổ sung.
Apple quản lý các bản cập nhật dễ dàng hơn rất nhiều. Việc kiểm soát hoàn toàn iPhone giúp hãng điện tử Mỹ triển khai nâng cấp nhanh chóng cho người dùng. Phiên bản mới thường có mặt sớm và gần như hiện diện lập tức. Đó là lý do tại sao dù rất nhiều lỗi và phải vá nhiều lần (tổng cộng 5 bản cập nhật kể từ khi trình làng), iOS 13 vẫn có hơn 50% người dùng iPhone và 55% người dùng iPhone đời mới ra mắt trong vòng 1 năm qua "lên đời" nền tảng mới.
Bảo Lâm (theo Forbes)