Interpol là tên thường dùng của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (International Criminal Police Organization). Ý tưởng về Interpol được hình thành vào năm 1914 tại Hội nghị cảnh sát hình sự đầu tiên tổ chức tại Monaco với sự tham gia của cảnh sát, luật sư và quan tòa từ 24 quốc gia nhằm thảo luận về thủ tục bắt giữ, kỹ thuật nhận dạng, hồ sơ hình sự quốc tế và thủ tục dẫn độ.
Ngày 7/9/1923, Interpol, khi đó là Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế (ICPC) được thành lập, có trụ sở chính đặt ở Vienna, Áo. Những lệnh truy nã đỏ đầu tiên được công bố trên Tạp chí International Public Safety của Interpol.
Năm 1946, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ủy ban cảnh sát hình sự quốc tế được tái lập, lúc này được gọi là Interpol (viết tắt của International Police). Một trụ sở mới được đặt ở Paris (Pháp). Hệ thống thông báo mã màu của ủy ban được khởi xướng và những lệnh truy nã đỏ đầu tiên được phát ra.
Đến năm 1956, Ủy ban cảnh sát hình sự quốc tế được đổi tên thành Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế và vẫn thường gọi là Interpol. Năm 1989, Interpol chuyển ban thư ký tới Lyon (Pháp). Interpol liên tục mở văn phòng đại diện khu vực ở một số quốc gia cũng như trụ sở của Liên hợp quốc ở New York.
Đến nay, Interpol là một tổ chức liên chính phủ với sự tham gia của 190 quốc gia. Việt Nam tham gia Interpol năm 1991 và trở thành thành viên thứ 158.
Mục đích hoạt động của Interpol: "Kết nối cảnh sát vì một thế giới an toàn hơn".
Interpol là cơ quan đầu não chuyên về điều tra, theo dõi, cung cấp tư liệu liên quan đến tội phạm hình sự, khủng bố. Interpol không tham gia vào công việc bắt giữ hay bất kỳ hoạt động vũ trang nào.
Interpol hoạt động độc lập theo tôn chỉ tôn trọng chủ quyền các quốc gia thành viên và theo tinh thần của tuyên bố chung về nhân quyền. Đối tượng điều tra chỉ là tội phạm hình sự. Interpol nghiêm cấm mọi can thiệp và hoạt động mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hay chủng tộc.
Interpol có nhiệm vụ giúp đỡ cảnh sát địa phương trong việc kết nối với cảnh sát toàn cầu, theo dõi tiến trình hoạt động của các kẻ bị truy nã và phát lệnh truy nã cho các quốc gia thành viên.
Cơ cấu tổ chức của Interpol
Cơ quan cao nhất là Đại hội đồng bao gồm các đại biểu do chính phủ các nước thành viên chỉ định. Là cơ quan quản lý tối cao của Interpol, Đại hội đồng họp mỗi năm một lần nhằm đưa ra những quyết định chính liên quan đến chính sách chung, nguồn lực cần thiết cho hợp tác quốc tế, phương pháp làm việc, tài chính và chương trình hoạt động.
Ủy ban hành pháp do Đại hội đồng bầu ra, gồm 13 thành viên, họp ba lần mỗi năm để đặt ra những chính sách và hướng đi của tổ chức. Họ chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành những quyết định của Đại hội đồng; chuẩn bị chương trình nghị sự cho các kỳ họp của Đại hội đồng; trình Đại hội đồng chương trình, công việc, dự án hữu ích; giám sát việc quản lý và công việc của ban thư ký.
Bộ phận tiếp theo là các cơ quan thường trực bao gồm ban thư ký và văn phòng Interpol ở các quốc gia.
Ban thư ký đặt tại Lyon (Pháp) hoạt động 24/24h mỗi ngày và 365 ngày trong năm, do một tổng thư ký đứng đầu. Ban thư ký có bảy văn phòng khu vực ở bảy quốc gia, văn phòng liên lạc tại Liên hợp quốc ở New York, tại Liên minh châu Âu ở Brussels, và khu liên hợp toàn cầu Interpol cho sự đổi mới tại Singapore. Tất cả nhằm thực hiện sứ mệnh ngăn ngừa, chống lại các tội phạm xuyên quốc gia và tăng cường an ninh toàn cầu.
Hiện khoảng 100 quốc gia có đại diện tại ban thư ký và các văn phòng khu vực. Nhân viên làm việc bằng bốn ngôn ngữ chính của tổ chức là tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.
Văn phòng Interpol ở các quốc gia thành viên thường là một bộ phận của cơ quan cảnh sát quốc gia. Với đội ngũ cảnh sát có trình độ cao, đây là bộ phận huyết mạch của Interpol, góp phần vào cơ sở dữ liệu về tội phạm, hợp tác cùng nhau điều tra, bắt giam xuyên biên giới.
Ngoài các cơ quan chính kể trên, Interpol còn có bộ phận giám sát bao gồm các cố vấn và Ủy ban kiểm soát dữ liệu Interpol (CCF). Các cố vấn là những chuyên gia có năng lực tư vấn, có thể được chỉ định bởi Ủy ban hành pháp và được Đại hội đồng xác nhận.
Ủy ban kiểm soát dữ liệu Interpol (CCF) có nhiệm vụ đảm bảo việc xử lý dữ liệu cá nhân phù hợp với quy tắc của Interpol nhằm bảo vệ quyền cơ bản của các cá nhân và sự hợp tác giữa cảnh sát quốc tế.
Nguồn tài chính
Nguồn tài chính chủ yếu của Interpol là sự đóng góp hàng năm của 190 nước thành viên. Các nước thành viên có thể đóng góp thêm tiền mặt hoặc hiện vật trên cơ sở tự nguyện. Các khoản đóng góp này và một số khoản thu nhập khác tạo thành ngân sách thường xuyên của tổ chức.