Trong sách trắng cảnh báo về sự bùng nổ tội phạm trong các trò chơi thực tế ảo, Interpol đề nghị cảnh sát nên duy trì "sự hiện diện ảo trong metaverse" để ngăn chặn tội phạm tình dục, lạm dụng trẻ em và thậm chí cả khủng bố.
Metaverse là đến thế giới ảo 3D nơi người dùng được mô tả dưới dạng các nhân vật trực tuyến được gọi là hình đại diện tương tác.
Đầu tháng 1, lực lượng cảnh sát Vương quốc Anh tuyên bố lần đầu tiên điều tra một vụ "hiếp dâm ảo" trong metaverse. Nạn nhân là một thiếu nữ dưới 16 tuổi, tố cáo nhân vật đại diện của cô bị những kẻ lạ mặt cưỡng hiếp tập thể trong một trò chơi thực tế ảo. Dù không có vụ tấn công thể xác nào, cảnh sát vẫn quyết định điều tra vì cô gái được đánh giá là chịu tổn thương tâm lý và cảm xúc giống như một nạn nhân bị cưỡng hiếp ở thế giới thực.
Interpol cảnh báo tội phạm thực tế ảo có thể trở thành vấn đề lớn. Báo cáo cho biết: "Metaverse đã mở ra cơ hội cho tội phạm thực hiện các loại tội ác mới, có thể gọi là 'metacrime'. Metacrime đang là mối lo ngại ngày càng tăng và có thể trở thành vấn đề lớn khi thế giới nhập vai trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta".
Sách trắng của Interpol khuyến nghị lực lượng chức năng xem xét việc mở các đơn vị trực tuyến trong metaverse để cho phép người dùng báo cáo "metacrime", hoặc cung cấp một con đường khác để công chúng báo cáo tội phạm ngoại tuyến.
"Các sở cảnh sát có thể thiết lập sự hiện diện ảo trong metaverse, cung cấp các dịch vụ như báo cáo tội phạm, nộp đơn khiếu nại hoặc thậm chí tổ chức các cuộc họp cộng đồng ảo. Cách tiếp cận này có thể giúp các dịch vụ cảnh sát dễ tiếp cận hơn, đặc biệt đối với những người gặp khó khăn về di chuyển hoặc ở vùng sâu vùng xa", báo cáo cho biết thêm.
Hiệp hội quốc gia ngăn ngừa nạn ngược đãi trẻ em (NSPCC) ước tính 15% trẻ em từ 5 đến 10 tuổi sử dụng thực tế ảo. Đeo kính VR và thiết bị điều khiển, người dùng sẽ chìm đắm trong một thế giới ảo có cảm giác như thật, có thể tương tác với những người khác trong môi trường do máy tính tạo ra. Interpol cảnh báo người dùng cũng có thể mặc một bộ đồ xúc giác, mô phỏng các cảm giác như tác động của cú đấm, cung cấp "mối liên hệ hữu hình giữa trải nghiệm ảo và trải nghiệm của cơ thể".
Interpol xác định 41 loại tội phạm có thể xảy ra trong metaverse bao gồm cưỡng hiếp, bóc lột tình dục trẻ em, deepfake, lừa đảo tài chính, trộm danh tính và cả trộm cắp ảo. Báo cáo cũng cảnh báo: "Những kẻ khủng bố có thể lạm dụng metaverse để nhận hỗ trợ tài chính, điều này có thể dẫn đến việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố".
Sự nổi lên của metaverse đã thúc đẩy các cảnh sát trưởng ở Anh kêu gọi ban hành luật mới để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đồng thời yêu cầu các công ty công nghệ nỗ lực hành động hơn để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Tuệ Anh (Theo Daily Mail)