Tuyến Asia America Gateway (AAG) bị đứt từ ngày 23/10/2021, làm mất toàn bộ lưu lượng đi quốc tế. Đơn vị quản lý ban đầu thông báo sẽ sửa xong vào giữa tháng 12/2021 nhưng sau đó hoãn sang ngày 3/1.
Tuy nhiên, đại diện một đơn vị cung cấp dịch vụ Internet cho biết lịch sửa chữa mới cho AAG sẽ là từ ngày 16/2. Có nghĩa, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ tiếp tục không ổn định tới sau Tết Âm lịch, ảnh hưởng tới nhu cầu giải trí, xem phim... tăng cao của người dùng khi kỳ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày.
Sự cố với cáp AAG xuất hiện ở hai nhánh là hướng kết nối đi Singapore và S1I đi Hong Kong. Trong đó, hướng đi Singapore được khắc phục ngày 29/12/2021 và hiện còn nhánh S1I đang chờ xử lý. Trong quá trình khảo sát thực tế, các tàu sửa chữa phát hiện nhánh cáp có tới 3 điểm lỗi.
Ngoài AAG, tuyến cáp khác là APG cũng đang bị lỗi từ giữa tháng 12, ở vị trí cách trạm cập bờ Hong Kong khoảng 125 km. Đối tác quốc tế đã gửi thông báo tới các nhà mạng trong nước rằng thời gian khắc phục APG sẽ bắt đầu từ ngày 2/2 và dự kiến hoàn thành ngày 6/2. Đại điện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết lưu lượng truy cập bị mất do ảnh hưởng của sự cố này ước tính khoảng 1 TB.
Do các tuyến cáp liên tục gặp vấn đề và lịch sửa kéo dài, các nhà mạng trong nước phải tìm cách bổ sung lưu lượng từ các tuyến vẫn hoạt động ổn định. Tuy vậy, hàng loạt các đợt đứt cáp diễn ra trong 3 tháng cuối năm 2021 được đánh giá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm Internet của người dùng khi nhu cầu họp, học trực tuyến tăng cao. Các nhà mạng cũng đã ưu tiên lưu lượng cho các phần mềm như Zoom, Microsoft Team, Google Meet...
Thống kê từ 2017, mỗi năm AAG gặp sự cố từ 3 đến 5 lần. Tuyến cáp ngầm dưới biển này dài hơn 20.000 km, kết nối một số nước Đông Nam Á như Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Brunei, đi Hong Kong, Mỹ. Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, hiện lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế qua AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn.
Hoài Anh