Nhóm giám sát mạng NetBlocks trong bài đăng trên Twitter ngày 6/2 cho biết dữ liệu truyền qua mạng Internet thời gian thực tại Myanmar giảm xuống còn 54% so với mức thông thường. Một số nhân chứng cho biết dịch vụ mạng di động và kết nối Wifi đã ngừng hoạt động.
Sự cố xảy ra trong bối cảnh khoảng 1.000 người tham gia tuần hành trên đường phố Yangon, đánh dấu cuộc biểu tình có nhiều người tham gia nhất kể từ khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt hôm 1/2. Kết nối Internet tại Myanmar cũng bị gián đoạn diện rộng vào ngày quân đội tiến hành đảo chính.
Trước đó, đại diện hãng viễn thông Telenor cho biết các bên cung cấp dịch vụ Internet và di động nhận lệnh chặn truy cập mạng xã hội Twitter và Instagram "tới khi có thông báo mới", sau động thái chặn Facebook hôm 5/2. Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar chưa bình luận về sự cố gián đoạn kết nối và việc hai mạng xã hội bị chặn.
Quân đội Myanmar bắt Cố vấn Suu Kyi và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền, với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Cảnh sát Myanmar cáo buộc Suu Kyi nhập trái phép thiết bị liên lạc và tạm giữ bà đến ngày 15/2 để điều tra.
Quân đội Myanmar ngày 2/2 cảnh báo dân chúng không đăng những "tin đồn trên mạng xã hội" có thể kích động "bạo loạn và gây bất ổn". Facebook cùng ngày xóa một trang liên quan đến mạng lưới truyền hình thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.
Lãnh đạo các nước và tổ chức thế giới đã lên tiếng hy vọng Myanmar giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình cũng như sớm trở lại ổn định. Cuộc đảo chính ngày 1/2 cũng dẫn tới một số cuộc biểu tình phản đối ở các nước như Thái Lan và Nhật Bản.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)