Khi vừa tròn 5 tuổi thì một tai nạn khủng khiếp đã giáng xuống đầu tôi: một chấn thương nặng vào đốt sống cổ, đã làm cho thân thể của tôi vĩnh viễn bại liệt. Kể từ đó tới bây giờ, đã trọn 30 năm trôi qua, tôi luôn phải sống thường trực trên chiếc giường định mệnh của mình.
Những ngày đầu, với tâm hồn thơ trẻ của một đứa bé 5 tuổi, tôi vẫn chưa ý thức được về sự khác biệt giữa cuộc sống của mình với mọi người, nhưng rồi sau đó vài năm, dần dà, tôi cũng có những quan sát và thắc mắc. Hồi ấy, nhà tôi ở quê Nam Định có một cái sân rất rộng (cha tôi làm cái sân đó để phơi lúa khoán công điểm cho hợp tác xã), chiều chiều, bọn trẻ con trong xóm thường hay kéo đến để chơi các trò chơi như: nhảy lò cò, trồng nụ xòe hoa... Những lúc ấy, nằm ở trong nhà nhìn ra, tôi thấy ấm ức vô cùng vì không hiểu tại sao bọn chúng lại làm được như vậy. Rồi mỗi buổi sáng thấy các anh chị xách cặp đi học, tôi thường hay hỏi mẹ: "Đi học là gì hở mẹ? Sao con lại không được đi?". Những khi đó, mẹ tôi thường không nói gì mà chỉ lặng lẽ ngồi khóc. Và khi đó, tôi cũng không hiểu được là tại sao mẹ khóc!
Ít năm sau đó, khi đã tích cóp, dành dụm được chút tiền, cha mẹ liền đưa tôi ra Hà Nội để chữa trị, mong có thể cải thiện sức khỏe của tôi. Mong ước là như vậy, nhưng rồi sau nửa năm trời ở Hà Nội, lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, gặp gỡ hết ông bác sĩ nọ đến vị giáo sư kia, để rồi cuối cùng tôi lại trở về nhà trong nỗi thất vọng tột cùng.
Những ngày tháng sau đó, với tôi thật nặng nề, u ám. Tuổi 15, tôi đã ý thức được về sự tồn tại của mình. Tâm hồn luôn đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng, vật vã trong sự cùng quẫn, và không ít lần tôi đã có ý định tự kết thúc cái cuộc sống mà khi đó tôi cho là vô nghĩa. Nhưng rồi rất may là cái ý định cực đoan ấy đã biến mất khỏi tâm trí tôi.
Tất cả diễn ra với tôi như một giấc mơ, như một định mệnh được sắp đặt sẵn. Đó là đến một ngày, khi tôi được một người anh họ tặng cho một bộ máy vi tính đã cũ với một tập giáo trình tự học.
Với sự tò mò, tôi đã mày mò khám phá chiếc máy tính cũ ấy cùng một niềm đam mê lạ thường. Và với chỉ chiếc máy tính ấy, tôi có cảm giác nó đã là cả một thế giới mới lạ mở ra trước mắt mình, cho dù khi đó mới chỉ là một chiếc máy tính đơn thuần chứ chưa được kết nối Internet. Khi đó, những tập tin ebooks có sẵn trong máy đã cuốn hút tôi rất mãnh liệt, tôi đã say sưa đọc những thông tin trong đó như một nhu cầu vô thức giống như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy.
Và ở trong cái máy tính đó, tôi đã đọc được một bài viết nói về nhà bác học vật lý Stephen Hawking. Cũng chỉ với một cái đầu còn ngúc ngắc được (giống như tôi) nhưng ông đã trở thành một con người vĩ đại, được cả thế giới kính phục, nể trọng. Sau đó tôi mang chuyện này kể lại với cha tôi thì được nghe ông nói: "Đó là bản năng sống của con người đấy, con ạ! Ở trong mỗi một con người luôn tiềm ẩn những khả năng kỳ diệu!". Thế rồi, cha kể cho tôi nghe chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, một con người đã trở thành huyền thoại bằng ý chí và nghị lực của mình. Kể từ lúc đó, ở trong tôi, bỗng có một sự thôi thúc mãnh liệt, nó như là một động lực cho lòng khao khát và những hy vọng... Tôi nghĩ, lẽ nào mình lại không có cái "bản năng sống" ấy? Thế là tôi quyết định mình sẽ phải thử làm một cái gì đó, để xem cái "khả năng kỳ diệu" nào đó có đang ẩn nấp ở trong người tôi hay không?!
Thế rồi tôi đã chọn cách là cùng chính chiếc máy tính cũ kỹ ấy khám phá ra cái bản năng sống của mình. Tôi đã nhờ người anh họ mua cho rất nhiều các loại sách hướng dẫn về tin học rồi cứ thế ngày ngày tự mày mò tìm hiểu về các tính năng của máy tính. Tôi cũng đã nghĩ ra cách sử dụng máy tính cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Những ngón tay bại liệt không thể gõ được lên bàn phím, tôi khắc phục bằng cách cắn một chiếc đũa vào miệng rồi cứ thế mổ cò lên từng phím chữ. Bàn tay cong queo không thể điều khiển con chuột, tôi phải thay thế bằng cách kẹp chuột vào má rồi gục gặc cái đầu để rê chuột đi. Khi đó tôi đã có một niềm đam mê thực sự mà tôi nghĩ, chắc là từ nhỏ tôi chưa từng được đi học nên khi có cơ hội thì cái lòng ham muốn ấy nó tự bùng phát lên vậy. Quả thật, khi ấy, tôi thấy trong mình có một niềm hứng khởi lạ thường mà trước đó và cả sau này, tôi đã không thể có được.
Sau một thời gian thì tôi cũng đã có kiến thức cơ bản về máy tính. Và tôi đã dự định rằng mình phải làm được một cái gì đó hữu ích từ chính những kiến thức về tin học mà mình đã thu nhận được. Thế nhưng rồi bước đi đầu tiên của tôi không được suôn sẻ. Tôi đã nhờ cha mẹ tôi gom bọn trẻ con trong xóm lại và mở lớp học tại nhà để tôi có thể dạy tin học cho chúng, nhưng rồi việc đã không thành vì sức khỏe không cho phép (tôi không thể ngồi lâu trên xe lăn để chỉ dẫn cho bọn trẻ được). Thêm nữa, tôi cũng không có kiến thức sư phạm nên gặp khó khăn rất nhiều. Vậy là, cái lớp học của tôi chỉ tồn tại được đúng hai ngày rồi đành phải dẹp bỏ!
Một lần nữa, tôi lại rơi vào trạng thái bi quan tuyệt vọng và tôi đã có cảm giác mình mất đi tất cả niềm tin vào cuộc sống. Tuy vậy nhưng rồi luật bù trừ của số phận cũng đã không bỏ rơi tôi, mà thậm chí tôi cảm nhận rằng thực sự số phận của mình là may mắn. Và đó chính là Internet. Có thể ai đó cho rằng tôi ngoa ngôn, nhưng sự thật là như vậy. Internet, nó đã cứu rỗi cuộc sống của tôi, nó đã cho tôi có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng xã hội cũng như có việc làm để tự chủ được cuộc sống của mình.
Câu chuyện kỳ diệu đó bắt đầu khi chiếc máy tính của tôi được kết nối Internet. Trước đó, khi sử dụng máy tính, tôi đã tìm hiểu đôi chút về Internet, tuy nhiên sự cảm nhận lúc ấy cũng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Và chỉ đến khi được biết thế nào là Internet thực sự thì tôi mới ngỡ ngàng. Tôi đã như được thoát ra khỏi cái thân xác bại liệt của mình để cuốn vào các cuộc hành trình khám phá cái thế giới vô tận vô cùng ấy. Tôi mê mải ngày đêm tưởng chừng như quên cả ngày tháng. Và tôi đã tìm thấy từ trong cái cõi ảo ấy vô vàn những điều hữu ích cho mình, và nhất là rồi từ đó tôi đã tìm ra cho mình một lối đi cho cuộc sống tật nguyền của mình.
Những ngày đầu tiếp xúc với Internet, tôi đã vô tình lạc vào rất nhiều những trang web bằng tiếng Anh, trông rất thú vị nhưng tôi lại chẳng thể đọc được chúng. Từ đó, tôi sinh ra ấm ức vì mình không biết ngoại ngữ. Nhưng rồi lại cũng bất ngờ tôi lại tìm được một trang web dạy tiếng Anh có kèm theo rất nhiều giáo trình và các phần mềm hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ. Khi đó, tôi đã có cảm giác như mình đã tìm ra chìa khóa để mở những kho báu mà người ta đã cất giấu. Tôi lao vào tự học Anh ngữ qua trang web đó bằng tất cả sự hăm hở và nỗi khao khát có được ở trong mình. Và chỉ sau đó hơn ba tháng trời, tôi đã có thể vào đọc được các trang web tiếng Anh một cách dễ dàng. Và từ đó, tôi lại tha hồ thỏa sức mở rộng cái sự khám phá của mình ra mọi ngóc ngách của cái thế giới loài người.
Và rồi tiếp tục cái dòng thời gian chảy trôi cùng Internet ấy, tôi đọc được thông báo của một tờ tạp chí rằng họ cần những bài viết chuyên ngành được biên dịch từ báo chí nước ngoài. Tôi đã đọc cái thông báo đó với một sự quan tâm và thích thú đặc biệt. Ngay lập tức tôi đã tìm chọn từ Internet một bài viết theo yêu cầu của họ và thử dịch ra tiếng Việt. Chỉ sau hai giờ đồng hồ thì bản dịch hoàn tất và tôi gửi ngay lập tức cho tạp chí theo địa chỉ email có sẵn trong thông báo. Và chỉ sau đó ít phút, tôi nhận được trả lời rằng bản dịch của tôi đã đạt yêu cầu và sẽ được sử dụng cho tạp chí vào số tới. Khó có thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc của tôi lúc đó, tôi sung sướng và hãnh diện vì cuối cùng rồi mình cũng đã có thể làm được một việc gì đó hữu ích, tôi xem điều đó ít nhất như là để khẳng định cái sự tồn tại của mình trên cõi đời này.
Vậy rồi cứ tiếp theo cái đà ấy, tôi đã trở thành một cộng tác viên thường xuyên của tờ tạp chí ấy. Và không dừng ở lại đó, tôi tiếp tục tự liên hệ với các tờ báo và tạp chí khác để tìm thêm công việc cho mình và tôi cũng đã có được những mối liên hệ thuận lợi cho công việc biên dịch với các nơi khác nhau. Vậy là cứ thế, tôi bước chân vào công việc làm báo từ lúc nào không hay. Rồi từ trong công việc làm báo đó tôi cũng có điều kiện tiếp xúc với văn chương chữ nghĩa, để rồi tôi lại có thêm một niềm đam mê mới là sáng tác văn học. Những tác phẩm văn học của tôi được sáng tác từ trên bàn phím máy tính ấy được phổ biến và xuất bản, sau đó đã làm cho tôi càng có thêm sự phấn khích và niềm tin để theo đuổi con đường mà mình đã lựa chọn.
Đến bây giờ, sau một thời gian hơn 10 năm tham gia làm báo và sáng tác văn học, tôi đã được nhiều độc giả biết đến, qua một số lượng không nhỏ những bản dịch và bài viết được đăng trên các tờ báo cũng như tạp chí của Trung ương và các địa phương. Tôi cũng đã có hai cuốn sách được xuất bản và cũng được nhận một số giải thưởng về văn học, báo chí...
Hiện tại, tôi đã là hội viên Hội VHNT Nam Định, đây cũng chưa phải là điều gì to tát, nhưng tôi nghĩ, nó cũng đã như một sự ghi nhận về những cố gắng phấn đấu sống vươn lên của tôi trong suốt quãng thời gian đã qua. Bây giờ công việc thường ngày của tôi là tìm kiếm thông tin trên mạng Internet và biên dịch lại cho một số các tờ báo và tạp chí. Và không những thế, tôi còn tự tổ chức xây dựng nên trang web vannghenamdinh.com mà hiện tại đã có số truy cập lên tới hàng ngàn lượt mỗi ngày. Ngoài ra, tôi còn tham gia làm quản trị và biên tập cho một vài website văn học khác nữa. Công việc khá bận rộn nhưng nó là một niềm hạnh phúc thật lớn lao đối với tôi, vì chính công việc đã giúp tôi giải tỏa được những nỗi niềm u uẩn mà trước đó đã luôn dày vò, day dứt trong lòng tôi. Công việc cũng đã giúp tôi có được một mức thu nhập ổn định để đảm bảo cho sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày và nó cũng giúp tôi có được sự tự tin để bước tiếp trên con đường mà số phận đã dành cho mình.
Trần Hồng Giang