Tại Hàn Quốc, người dùng không thể thanh toán chi phí doanh nghiệp với các ngân hàng ngoại quốc lớn nhất nếu dùng Chrome. Họa sĩ không thể đăng ký xin hỗ trợ qua trang web Nghệ thuật và Văn hóa Quốc gia nếu dùng Safari. Người dùng Firefox không thể đăng ký hoạt động cho cơ sở trông trẻ trên trang web của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc.
Trong tất cả những trường hợp này, họ chỉ có thể hoàn thành việc của mình nếu dùng Internet Explorer (IE).
Sau khi Microsoft ngừng hỗ trợ IE từ 15/6 và khuyên người dùng chuyển sang Edge, hàng loạt trò đùa về mạng Internet trong quá khứ đã được chia sẻ. Nhưng ở Hàn Quốc, IE không phải món "cổ vật". Trình duyệt lạc hậu này vẫn đóng vai trò quan trọng với hàng loạt công việc thiết yếu liên quan đến ngân hàng và chính phủ.
Điều này tạo ra một nghịch lý rõ ràng. Tốc độ Internet di động và băng rộng cố định của Hàn Quốc xếp thứ tư và thứ 19 toàn cầu, theo thống kê của Speedtest tháng 5. Một đất nước nổi tiếng với mạng kết nối tốc độ cao và những thiết bị tiên tiến lại gắn bó với phần mềm nhiều lỗi, bảo mật kém vốn bị thế giới tránh xa từ lâu.
Thực tế, hầu hết website tại Hàn Quốc hoạt động trên mọi nền tảng trình duyệt. Google Chrome chiếm 54% thị phần ở nước này, trong khi IE còn chưa đầy 1%. Tuy nhiên, hàng loạt website quan trọng đang phải vội vã điều chỉnh sau khi Microsoft khai tử IE.
Chi nhánh ngân hàng Standard Chartered ở Hàn Quốc hồi tháng 5 cảnh báo các khách hàng doanh nghiệp rằng họ sẽ phải sử dụng "IE Mode" trong trình duyệt Edge để truy cập tính năng giao dịch trực tuyến Straight2Bank. Nhiều trang web chính phủ cũng thông báo một số dịch vụ có thể bị gián đoạn nếu người dùng không chuyển sang Edge.
Naver, một trong những công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc, cũng quảng cáo tính năng trên trình duyệt Whale cho phép người dùng truy cập các trang web vốn đòi hỏi IE. Kim Hyo, đứng đầu nhóm phát triển Whale, cho biết tùy chọn này được triển khai từ năm 2016 và nghĩ nó sẽ không còn cần thiết sau khi IE bị khai tử.
Tuy nhiên, Kim nhận ra nhiều website Hàn Quốc chưa kịp chuyển đổi và quyết định giữ lại tính năng, đổi tên thành "IE mode". "Hiện đại hóa những trang web được tối ưu cho IE suốt hàng chục năm là nhiệm vụ rất phức tạp, nhiều website không theo kịp hạn chốt", anh nói.
Sự phụ thuộc vào IE tại Hàn Quốc bắt đầu từ thập niên 1990, khi nước này trở thành quốc gia đi đầu trong áp dụng Internet vào hoạt động ngân hàng và mua sắm. Chính phủ thông qua đạo luật bảo vệ giao dịch trực tuyến năm 1999, trong đó yêu cầu mọi hoạt động cần chữ ký phải có chứng nhận kỹ thuật số được mã hóa.
Xác thực danh tính người dùng cần plugin kết nối với trình duyệt. Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt cho 5 công ty cung cấp chứng nhận điện tử sử dụng plugin ActiveX của Microsoft, vốn chỉ hoạt động trên IE.
Khi đó, sử dụng plugin của Microsoft được coi là lựa chọn hiển nhiên. Hệ điều hành Windows xuất hiện trên hầu hết máy tính cá nhân ở thập niên 1990, cho phép IE trở thành trình duyệt thống trị thị trường. Các website chủ chốt của Hàn Quốc đều đòi hỏi IE, khiến những trang khác cũng tối ưu hóa cho trình duyệt này và củng cố vị thế của nó. Một số khảo sát cho thấy IE chiếm 99% thị phần tại Hàn Quốc giai đoạn 2004-2009.
"Chúng tôi thực sự nắm vị trí độc nhất tại đây", James Kim, lãnh đạo chi nhánh Microsoft tại Hàn Quốc giai đoạn 2009-2015, cho hay. Ông khẳng định hãng không tìm cách cản trợ các đối thủ cạnh tranh, nhưng nhiều thứ không thể hoạt động nếu thiếu IE.
Kim Keechang, giáo sư luật thuộc Đại học Hàn Quốc ở Seoul, kể IE từng chiếm ưu thế đến mức phần lớn người dân nước này hồi đầu thập niên 2000 không thể kể tên trình duyệt nào khác. Ông trở lại Hàn Quốc năm 2002 sau thời gian giảng dạy ở nước ngoài và phát hiện mình không thể làm việc gì trên mạng bằng máy tính chạy hệ điều hành Linux và trình duyệt Firefox. Ông phải đến quán Internet ít nhất một lần mỗi năm để nộp khai báo thuế trên website chính phủ.
Năm 2007, ông nộp đơn kiện KFTC, một trong 5 công ty được chính phủ cho phép cung cấp chứng nhận kỹ thuật số. Ông cho rằng KFTC, vốn phân phối 80% chứng nhận online tại Hàn Quốc, phân biệt đối xử phi lý với ông vì không cho sử dụng những trình duyệt khác.
Giáo sư Kim Keechang thua kiện, tiếp tục thất bại khi kháng án ở tòa phúc thẩm và Tòa án Tối cao trong vòng ba năm. Dù vậy, cuộc chiến pháp lý của ông cũng thu hút nhiều chú ý, đặc biệt trong bối cảnh nhiều máy tính Hàn Quốc bị lây nhiễm malware do lỗ hổng ActiveX hồi năm 2009.
Sự ra đời của smartphone và phần mềm từ Apple, Google giúp Hàn Quốc giảm phụ thuộc vào Microsoft. Giới chức nước này năm 2010 ban hành hướng dẫn rằng website chính phủ nên tương thích với các trình duyệt Internet khác nhau. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không dễ khi nhiều công ty về thẻ tín dụng và ngân hàng vẫn bám trụ nền tảng có sẵn.
Nhiều người cũng không hài lòng với sự bất tiện khi phải cài ActiveX để mua sắm trên mạng, đồng thời chỉ trích công nghệ này không đáp ứng được yêu cầu vì nó khiến người dùng kém an toàn hơn.
Microsoft ra mắt Edge năm 2015 thay thế IE và cho biết không hỗ trợ ActiveX trên trình duyệt mới, trong bối cảnh Chrome trở thành trình duyệt hàng đầu tại Hàn Quốc trước đó ba năm.
Năm 2020, Hàn Quốc điều chỉnh bộ luật năm 1999 nhằm loại bỏ yêu cầu về chứng nhận kỹ thuật số, động thái chấm dứt vai trò của ActiveX và IE. Cùng năm đó, Microsoft bắt đầu ngừng hỗ trợ IE trong một số dịch vụ online và sau đó thông báo sẽ khai tử trình duyệt này.
Trong khi phần lớn thế giới đùa giỡn về sự ra đi của IE, một kỹ sư Hàn Quốc cho rằng đây là điều đáng buồn. Jung Ki-young, lập trình viên 39 tuổi, dựng bia mộ cho IE trên nóc quán cà phê của anh trai ở Gyeongju, thành phố biển ở tây nam Hàn Quốc. Anh trả 330 USD cho tấm bia, trên đó khắc logo của IE và dòng chữ: "Đó là công cụ tốt để tải những trình duyệt khác".
Jung nói anh nhiều lần bực bội với IE, nhưng khẳng định nó giúp nhiều người Hàn Quốc tiếp cận Internet và cần được tưởng nhớ xứng đáng. "IE khó dùng và dễ gây bực mình, nhưng cũng phục vụ mục đích tốt. Tôi không thấy thoải mái khi nó bị loại bỏ theo kiểu 'chúng tôi không cần bạn nữa'", anh nói.
Điệp Anh (theo NY Times)