Giới chuyên gia đánh giá rằng dù một năm đã trôi qua, chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Chia sẻ với VnExpress, Carl Schuster, giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, cho rằng với thế trận giằng co trên chiến trường lẫn bàn cờ địa chính trị quốc tế, hai bên đều quyết tâm dồn nguồn lực và ý chí chính trị để giành chiến thắng, khiến các nỗ lực đàm phán ngoại giao rơi vào bế tắc.
Trong khi Nga huy động nguồn lực trong nước và tranh thủ sự ủng hộ từ các đối tác như Trung Quốc, Ukraine nhận được những cam kết hỗ trợ "đến khi nào cần thiết" từ phương Tây.
"Chừng nào cả hai nước đều còn nguồn lực về vũ khí và ý chí chính trị, cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài".Carl Schuster, giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ
Nhà phân tích Buzarov cho rằng cuộc chiến sẽ tiếp diễn trong năm nay và kéo dài qua năm sau với những cuộc tiến công và phản công liên tục, nhưng sẽ có một số "khoảng nghỉ" để hai bên khôi phục lực lượng.
Các chiến dịch không còn diễn ra trên phạm vi rộng lớn như giai đoạn đầu, mà sẽ mang tính cục bộ nhiều hơn, tập trung ở một số thành phố và thị trấn chiến lược. Khi nguồn hỏa lực khổng lồ dồn vào một điểm, cái giá hai bên phải trả về nhân mạng là rất lớn.
Tiến sĩ Christopher Tuck, chuyên gia về xung đột và an ninh tại trường King's College London, cho rằng sau một năm giao tranh, cán cân sức mạnh quân sự đã trở nên cân bằng hơn so với Nga tưởng tượng, khiến chiến trường rơi vào bế tắc vì không ai đạt được lợi thế nổi trội.
"Những hạn chế về chiến thuật, năng lực chỉ huy, hệ thống hậu cần đã góp phần gây ra thất bại ban đầu của Nga, khiến họ gặp khó khăn trong phát triển và thực hiện các chiến lược hiệu quả hơn. Trong khi đó, quân đội Ukraine chiến đấu tốt hơn so với dự kiến của nhiều người, một phần nhờ nguồn viện trợ của phương Tây", tiến sĩ Tuck nói.
Lý do thứ hai khiến chiến sự kéo dài là sau những tổn thất đã hứng chịu, cả hai bên đều không muốn nhượng bộ đối phương để theo đuổi con đường hòa bình vào thời điểm hiện tại, theo Tuck.
"Đối với Ukraine, đây là cuộc chiến giành lại lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea. Còn Tổng thống Putin hiểu rằng cái giá phải trả nếu thất bại sẽ rất cao. Cả hai bên tin rằng kéo dài cuộc chiến là cách giúp cải thiện vị thế của họ cho bất kỳ giải pháp chính trị nào trong tương lai", ông chia sẻ.
Chuyên gia này cho rằng Ukraine hy vọng viện trợ bổ sung từ phương Tây có thể giúp họ lật ngược tình thế, trong khi Nga đặt cược vào những nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự, cũng như niềm tin rằng nguồn lực ủng hộ của phương Tây với Ukraine sẽ ngày càng suy giảm.
"Trước khi hai bên đạt được lợi thế quân sự rõ ràng trên chiến trường, xung đột nhiều khả năng vẫn tiếp diễn", Tuck nói.
Giới quan sát nhận định triển vọng về một giải pháp hòa bình ở thời điểm hiện tại khá xa vời. Ukraine tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán hòa bình khi giành lại tất cả vùng lãnh thổ Nga kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea, nhưng đây lại là "lằn ranh đỏ" với ông Putin.
Khi được hỏi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, thiếu tướng Kyrylo Budanov, tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine khẳng định "Ukraine sẽ chiến thắng".
Nhưng Irina Zolotoreva, một phụ nữ Nga 61 tuổi, cho biết nhiều người thân của bà từng chiến đấu ở Stalingrad và bà nhận thấy sự tương đồng giữa những gì đã diễn ra trong trận chiến đó với tình hình Ukraine hiện nay.
"Đất nước chúng tôi đang chiến đấu vì công lý, tự do. Chúng tôi đã giành chiến thắng vào năm 1942 và đó là tấm gương cho thế hệ ngày nay. Tôi nghĩ bây giờ chúng tôi sẽ giành lại chiến thắng, dù bất cứ điều gì xảy ra", bà nói.
Chuyên gia Schuster tin Ukraine đã lên kế hoạch phản công ở Crimea. Trong khi đó, Nga có thể đang chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô lớn ở miền đông và miền nam trong chiến dịch xuân hè, sau nhiều tháng huấn luyện hơn 300.000 quân dự bị. Chiến sự sẽ tăng nhiệt trong vài tuần tới, bởi đây là thời điểm mặt đất đóng băng, tạo điều kiện cho xe tăng, thiết giáp tác chiến ở quy mô lớn.
"Tôi không thấy có triển vọng đàm phán hòa bình cho đến khi ông Zelensky hoặc ông Putin nhận thấy họ phải kết thúc cuộc chiến, do tổn thất quá lớn trên chiến trường hoặc suy giảm ủng hộ chính trị trong nước", Schuster nói.
Xung đột Ukraine càng kéo dài, căng thẳng giữa Nga và phương Tây càng tăng nhiệt. "Tôi nghĩ mọi niềm tin giữa Nga và phương Tây đã tan vỡ", ông nhấn mạnh.