Thứ ba, 27/7/2021, 00:00 (GMT+7)

Hai lãnh đạo ngành Tòa án, Kiểm sát

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đều xuất thân từ lực lượng công an, được bầu giữ chức vụ hiện nay với các mốc thời gian giống nhau.

(Click hình để xem chi tiết)

Ngày 26/7, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu ông Nguyễn Hòa Bình và ông Lê Minh Trí cùng với tỷ lệ tán thành 96,19%.

Với tư cách người đứng đầu cơ quan xét xử cao nhất, thực hiện quyền tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là một trong bốn chức danh phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp sau khi được bầu.

Trên cương vị của mình, ông Nguyễn Hòa Bình đã ba lần tuyên thệ, lần đầu tháng 4/2016, lần thứ 2 tháng 7/2016 và lần này (chiều 26/7) sau vừa tròn 5 năm.

Phát biểu nhậm chức, ông hứa trước Quốc hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của Tòa án.

"Để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển, để nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải, nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp", ông nói.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Giang Huy

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Giang Huy

Ông Nguyễn Hòa Bình, 63 tuổi, quê Quảng Ngãi; Phó giáo sư, Tiến sĩ Luật, cử nhân An ninh. Ông tốt nghiệp trường Đại học An ninh Nhân dân vào năm 1980, ông về nhận nhiệm vụ Đội trưởng Văn phòng Công an huyện Tam Kỳ, rồi Phó Văn phòng tổng hợp, Phó Phòng nghiên cứu khoa học Công an tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

Từ năm 1987 đến 1991, ông đi nghiên cứu sinh tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô (cũ). Về nước, ông công tác tại Bộ Công an, kinh qua nhiều chức vụ, được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2007, Phó tổng cục trưởng Cảnh sát, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an...

Năm 2008, ông luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; đến năm 2010 là Bí thư Tỉnh này; được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XI.

Từ tháng 7/2011 đến nay, ông lần lượt giữ các chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay được tổ chức phân công qua nhiều cương vị công tác, đều là "ghế nóng", từ điều tra, cho đến truy tố, xét xử..., các nhiệm vụ mang lại những trải nghiệm khác nhau, trong đó bài học kinh nghiệm lớn nhất là tuân thủ pháp luật.

Ông nói tuân thủ pháp luật để bảo vệ công lý; và tuân thủ pháp luật cũng là phương cách để bảo vệ chính mình vững chắc nhất.

Tổng kết nhiệm kỳ 5 năm, khi báo cáo Quốc hội hồi tháng 3, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói trong nhiệm kỳ qua (2016 - 2021), một trong những kết quả nổi bật là việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, "trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội".

Ông cũng đề cập đến kết quả tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp; đổi mới mô hình phòng xét xử theo hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế chung của thế giới... Qua đó "các Thẩm phán đã nhận thức sâu sắc hơn tranh tụng là con đường đi đến công lý".

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, 61 tuổi, là cử nhân An ninh, cử nhân Luật, quê ở huyện Củ Chi, TP HCM.

Cũng như ông Nguyễn Hòa Bình, ông Trí xuất thân từ lực lượng công an, từng là Phó Trưởng phòng Tham mưu an ninh, Công an TP HCM; thư ký Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Ông từng giữ chức Phó chủ tịch UBND TP HCM trước khi được điều động ra Hà Nội vào năm 2013, giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; tham gia Trung ương Đảng từ tháng 1/2016 và được bầu làm Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao vào tháng 4 cùng năm.

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Giang Huy

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Giang Huy

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016-2021, ông Lê Minh Trí khẳng định Viện trưởng kiểm sát nhân dân Tối cao đã chỉ đạo toàn ngành quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng; các yêu cầu của Đảng, Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm...

"Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo", ông nói.

Về Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, PGS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, nói đây là hai trong số các nhân sự trụ cột khi tới đây Trung ương sẽ xây dựng, ban hành nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, trong đó có cải cách tư pháp.

"Một vấn đề lớn đặt ra đối với hai vị lãnh đạo ngành Tòa án và Kiểm sát là tiếp tục phát huy dân chủ, phát huy quyền con người. Làm bất cứ việc gì cũng phải đặt con người vào vị trí trung tâm với nguyên tắc suy đoán vô tội", PGS Độ nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện, cũng cho rằng ngành Tòa án và Kiểm sát đều có những nhiệm vụ hết sức quan trọng là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân... Do vậy thời gian tới, hai ngành này cần được đầu tư nhiều hơn cả về đội ngũ và cơ sở hạ tầng phục vụ công tác.

"Hệ thống Viện kiểm sát hiện nay cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn với cơ quan giám sát là Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc, báo chí để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp", ông Nhưỡng nói.

Chánh án TAND tối cao phát biểu nhậm chức
 
 

Video: Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu nhậm chức, chiều 26/7.

Nội dung: Hoàng Thùy