Thứ hai, 26/7/2021, 17:31 (GMT+7)

Chủ tịch, Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ mới

Tái đắc cử Chủ tịch nước vào sáng 26/7, ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ lần thứ tư trước Quốc hội và nhắc đến "sức mạnh Diên Hồng" trong đoàn kết và kiểm soát đại dịch.

(Click hình để xem chi tiết)

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch nước thứ 11 kể từ năm 1946, người đầu tiên trong lịch sử được bầu giữ chức vụ này từ vị trí Thủ tướng hồi tháng tư vừa qua.

Ông được giao sáu nhóm nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp, bao gồm Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Ngoài ra ông còn là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Kể từ năm 1992, các Chủ tịch nước nhận nhiệm vụ từ nhiều cương vị khác nhau: Chủ tịch nước Lê Đức Anh (từ 9/1992 đến 9/1997) là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị...; Chủ tịch nước Trần Đức Lương (từ 9/1997 đến 6/2006) là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (từ 6/2006 đến 7/2011) là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (từ 7/2011 đến 4/2016) là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an.

Ngày 23/10/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Truyền thống "tứ trụ" được duy trì trong nhiều nhiệm kỳ ở Việt Nam, các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội luôn được đảm nhận bởi bốn nhà lãnh đạo khác nhau. Với sự kiện vào ngày 23/10/2018, lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng đồng thời giữ cương vị đứng đầu Nhà nước. Tuy nhiên đây không phải nhất thể hóa mà là giải pháp tình thế. Sau 3 năm, Việt Nam trở lại với truyền thống bốn lãnh đạo chủ chốt, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử tại Đại hội XIII và Quốc hội bầu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Lần thứ tư tuyên thệ và phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến việc kỳ họp diễn ra tại hội trường Diên Hồng - như tên gọi về một sự kiện chính trị trọng đại diễn ra vào năm 1284.

"Tinh thần Diên Hồng là biểu tượng thiêng liêng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc về phát huy tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là những thời khắc có tính quyết định với vận mệnh đất nước", Chủ tịch nước phát biểu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: Giang Huy

Nhiều năm nghiên cứu hệ thống chính trị Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc nói Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo có kinh nghiệm phong phú qua các cương vị khác nhau ở địa phương và Trung ương.

Ông kinh qua nhiều chức vụ ở quê nhà, như Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...

Quảng Nam từng là tỉnh nghèo nhất, nhì nước ở giai đoạn chia tách với Đà Nẵng (năm 1997). Tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh với việc thực hiện chủ trương hình thành khu kinh tế mở Chu Lai, thu hút các nhà đầu tư trong đó có Trường Hải (Thaco), giúp Quảng Nam vươn lên nhóm tỉnh phát triển khá trong những năm gần đây, trở thành điểm sáng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với quy mô nền kinh tế gần 100.000 tỷ đồng.

Năm 2006, ông Nguyễn Xuân Phúc được luân chuyển ra Trung ương công tác, lần lượt giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Phó chủ nhiệm thường trực, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Từ tháng 8/2011, ông giữ chức Phó thủ tướng và 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016 - 2021, bên cạnh các chỉ số tích cực về phát triển kinh tế - xã hội..., Chính phủ đã coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ đặc biệt; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn, cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, từ trước Tết Nguyên đán 2020, Chính phủ đã nêu hàng loạt phản biện khi chuyên gia cho rằng Covid-19 không quá nguy hiểm và quyết định chống dịch không dựa vào khuyến cáo của quốc tế.

Năm 2020, kiểm soát thành công Covid-19 đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít nước trên thế giới duy trì tăng trưởng dương (2,91%). Với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bên hành lang Quốc hội, tháng 4/2021. Ảnh: Giang Huy

Ông Dương Trung Quốc nhìn nhận, kinh nghiệm điều hành Chính phủ là thuận lợi với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi thực hiện nhiệm vụ "thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Về đối nội, ông đi lên từ địa phương và am hiểu sâu sắc tình hình các tỉnh, thành trên toàn quốc; có tác phong hòa đồng, gần gũi. Giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở trên toàn quốc.

Về đối ngoại, ông cũng đã "quen việc" khi có một nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và đã xác lập được nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các nước.

"Đối ngoại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị thế đất nước, địa chính trị... Trong đó, sự năng động, cảm tình, thông hiểu, mối quan hệ cá nhân được xác lập từ trước giữa các nhà lãnh đạo cũng rất quan trọng", ông Dương Trung Quốc nói và đơn cử những cuộc điện đàm của các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với lãnh đạo nhiều nước đã góp phần vận động quốc tế hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 hoặc tạo điều kiện để Việt Nam được mua sớm trong bối cảnh khan hiếm vaccine toàn cầu.

Việc vừa qua Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam gần 3 triệu liều vaccine là một trường hợp như vậy.

Bên cạnh thuận lợi, ông Quốc nhìn nhận trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, đặc biệt là đại dịch Covid-19, để hoàn thành tốt trọng trách của mình, Chủ tịch nước sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. "Ở đây là nghệ thuật lãnh đạo, làm sao bảo đảm đúng chức năng, vị trí của mình và phối hợp nhuần nhuyễn với cơ quan khác", ông Quốc nói.

Trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cần chú ý đến việc khắc phục những hạn chế từ nhiệm kỳ trước như: Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức, vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này...

"Tôi kỳ vọng Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị nguyên thủ quốc gia, thành công trong quan hệ đối ngoại, để lại dấu ấn, phong cách mới", ông Dương Trung Quốc nói.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh: Giang Huy

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh: Giang Huy

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân là cán bộ trưởng thành từ địa phương, đã thể hiện được năng lực qua nhiều vị trí công tác.

Bà từng có bốn năm là giáo viên trường THPT Mỹ Thới, thị xã Long Xuyên; trước khi làm chuyên viên nghiên cứu tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy; trải qua nhiều chức vụ như Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang; Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Bí thư Thị ủy Tân Châu, Phó chủ tịch tỉnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.

Bà nhậm chức Phó chủ tịch nước ở tuổi 51, là nữ chính trị gia trẻ nhất khi nắm giữ chức vụ này. Trước đó, 5 nữ Phó chủ tịch đều có tuổi đời từ 56 đến 67 tuổi. Trong đó, nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên, cũng là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là Thiếu tướng Nguyễn Thị Định giữ chức Phó chủ tịch nước ở tuổi 67, từ năm 1987-1992.

Tuổi giữ chức Phó chủ tịch nước (từ 1992 đến 2002) của bà Nguyễn Thị Bình là 65; bà Trương Mỹ Hoa (giai đoạn 2002-2007) ở tuổi 57; bà Nguyễn Thị Doan (từ 2007 đến 2016) 56 tuổi; và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh (từ 2016 đến 2021) là 57 tuổi.

Theo Hiến pháp, bà Võ Thị Ánh Xuân giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhậm chức
 
 

Video: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhậm chức, sáng 26/7.

Nội dung: Hoàng Thùy