huông điện thoại reo. Ở đầu dây bên kia, một giọng nam cất lên "Anh cắm nồi cơm rồi nhé". Ngọc Mai mỉm cười hạnh phúc sau cuộc gọi của chồng rồi mới hay đã 19h. Bà mẹ một con vội thu dọn đồ đạc ở công ty để chuẩn bị về nhà. Trên cung đường từ quận 1 về quận 7, cô háo hức trở về ngôi nhà nhỏ dù trải qua một ngày làm việc mệt nhoài. Đó là điều trước đây Mai chưa từng trải qua.

19h một ngày của năm 2018, Mai về đến nhà thì muốn ngã khụy. Ở tầng dưới, căn bếp chật hẹp vương mùi ẩm thấp, không có lấy một chiếc cửa sổ để đón không khí trong lành. Ở trung tâm phố thị Sài Gòn, giá nhà đắt đỏ, việc có được một căn ba tầng tại quận 1 với mức giá thuê gần 20 triệu đồng mỗi tháng có thể gọi là mơ ước của bao người. Nhưng trong hơn 3 năm ở đây, Mai và ông xã chưa bao giờ thấy hạnh phúc trọn vẹn. Cuộc sống vợ chồng son có đôi lúc giống như khổ ải khi không gian chật nít, họ di chuyển giữa các tầng bằng những bước chân nặng nề, con trai nhỏ không có chỗ chơi đùa, cũng không dám đón bố mẹ hai bên hay bạn bè thường xuyên đến thăm. Có nhiều lúc hai vợ chồng thấy tự ti dù công ăn việc làm ổn định, tổng thu nhập gần 50 triệu đồng mỗi tháng.

Ngôi nhà 40m2 ấy được đưa vào sử dụng hơn 20 năm nay nên tường đã cũ kỹ và có chỗ ố vàng. Những mảng màu của thời gian in dấu qua từng bậc thang, khung cửa. Thỉnh thoảng nhìn qua những ô li ti của chiếc cửa nhỏ chốn thị thành, Mai cũng chỉ thấy dây điện giăng ngang mắt, chẳng còn muốn ngắm nghía thêm gì khác. Tiếng còi xe trộn lẫn tiếng người ở bên ngoài ngôi nhà không thể giải hạn cơn bí bách của gia chủ bên trong. "Về nhà mà thấy nản", Mai tâm sự.

Không có hệ thống thông gió, mỗi lần Mai nấu nướng là mùi nồng nặc khắp nhà, bay xộc lên phòng khách và phòng ngủ ở tầng một rồi nhanh chóng lan sang phòng thờ ở tầng hai. Nhà chật, các phòng lại ngăn cách bởi cầu thang nên chồng Mai sau một ngày đi làm về nghỉ ngơi ở tầng một không còn hơi sức mà lê bước xuống bếp ở tầng dưới phụ vợ nấu cơm. Có khi Mai trách chồng không chia sẻ công việc, có lúc chồng trách Mai hay cáu gắt, khó chịu. Không gian bí bách khiến tổ ấm của vợ chồng trẻ nhiều lúc không ngọt ngào như hình dung, mà thay vào đó là những cuộc tranh cãi, hờn giận với tần suất thường xuyên.


Những hôm chồng không có ở nhà, Mai nấu nướng cũng mang con cùng xuống bếp. Bé con 3 tuổi cứ đòi mẹ cho chơi ở phòng khách để được mở tivi ra xem phim hoạt hình. Nhưng để con một mình ở tầng trên Mai lại không yên tâm, thế là cô đặt thằng bé lên bàn ăn rồi bày một số đồ chơi để tiện trông nom. Khi nấu nướng, nhìn mồ hơi rơi lả tả trên gương mặt con trẻ giữa không gian ẩm thấp, Mai ước gì có một căn nhà rộng rãi, thoáng đãng hơn để con có nơi chơi đùa. Nhưng hiện thưc trước mắt là bà mẹ trẻ không bao giờ dám dẫn con ra đường chơi vì không quen hàng xóm, ngõ hẹp, cũng chẳng có cây xanh hay công viên để đón không khí trong lành.

Dù chồng thích mời bạn bè đến nhà chơi, Mai chỉ cho phép một năm được một lần như thế, còn lại cô bảo anh đưa mọi người ra nhà hàng ăn. Đến mỗi dịp lễ Tết càng ám ảnh vì phải bê đồ cúng từ bếp lên phòng thờ ở tận tầng hai, đi lên đi xuống mấy bận giữa không gian nóng nực khiến cô nhanh đuối sức. "Mình thấy bản thân thiếu sức sống, mệt mỏi".

Mai cũng muốn trang hoàng lại nhà cửa cho đẹp hơn nhưng chủ nhà không đồng ý. Dần rồi cô cũng chẳng muốn sắm thêm những bộ chăn đệm hợp thời, may chiếc rèm cửa xinh xắn. Sống ở nhà thuê, không được làm theo ý mình, chưa bao giờ về nhà mà vợ chồng cảm thấy đó là một tổ ấm thật sự - một nơi bình yên, thoải mái để tìm về sau một ngày làm việc căng thẳng.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ mùa hè năm 2018.

Mai nhìn bộ bát đĩa mới tinh với màu sắc đồng bộ trước mắt với gương mặt đầy mãn nguyện. Mấy năm sống chung với nhau, chưa bao giờ vợ chồng cô háo hức như thế khi sắm sửa thứ nọ thứ kia. Họ quyết định dùng tiền tích cóp và vay thêm của bố mẹ hai bên một khoản để mua căn hộ chung cư thuộc dự án Skyline ở quận 7. "Nhà không quá rộng, 72m2 với hai phòng ngủ nhưng ở thoải mái, có ban công, cửa sổ thông xuống hai mặt đường bên dưới", Mai mô tả không gian mới dọn vào từ tháng 7 năm ngoái với ánh mắt hạnh phúc.

Trước đó, hai vợ chồng ngồi lại với nhau và nhẩm tính trong ba năm đi thuê nhà thì tổng tiền có thể mua một căn chung cư ở ngoại thành mà sống thoải mái. Bởi khả năng tài chính có hạn nên với mức giá khoảng 2,1 tỷ đồng, Mai cũng không nghĩ cuộc sống sẽ thay đổi nhiều so với trước đây mà chỉ cơ bản là không phải ở nhà thuê nữa.

Tuy nhiên, thay đổi môi trường sống đã mang lại cho đôi vợ chồng trẻ những niềm hạnh phúc mới mà trước đây họ chưa từng trải. Không gian mở giữa phòng khách và bếp khiến việc kết nối trong gia đình thuận tiện. Mai có thể vừa trông con vừa nấu ăn mà không sợ bé phải nóng nực hay ngột ngạt. Chồng cô đi làm về thường tiện tay vào bếp phụ vợ nấu cơm. Không khí trong gia đình Mai bỗng trở nên vui vẻ và dễ chịu hơn trước.

Cuối tuần, thay vì ra ngoài cùng bạn bè, chồng cô thích ở nhà chơi với vợ con nhiều hơn. Họ cùng dắt con trai xuống công viên, cho bé hòa mình với thiên nhiên và chạy nhảy quanh những tán cây rợp bóng mát. Căn hộ của An Gia mang đến những trải nghiệm hữu ích, cao cấp cho cư dân.

Bây giờ, mỗi buổi chiều tối Mai lại háo hức về nhà thay vì cảm giác nặng nề như trước đây. Cô tưởng tượng cảnh hai bố con đang ngâm mình trong bồn tắm, nồi cơm đã bốc khói nghi ngút, người mẹ trẻ về chỉ cần xào nấu đôi phút là gia đình có bữa cơm ấm áp và rộn rã tiếng cười. Cuộc sống bộn bề ngoài kia bỗng trở nên nhẹ nhàng khi trở về với tổ ấm, nơi mà họ cùng nhau san sẻ việc nhà, chăm con, sắm sửa và trang trí không gian sống theo ý thích của mình.

Với cô, nhà không chỉ đơn thuần là nơi để ở mà phải là chốn mà mọi thành viên ở đó đều cảm thấy hạnh phúc và mong muốn được trở về.

"Nhà là nơi mình được là mình, sống sao cũng được, không phải luồn lách khéo léo như ở ngoài. Mình có thể đi làm về mệt và ăn mặc nhếch nhác một tí, lười vào bếp và dọn dẹp một tí, khi khó chịu thì lại kể lể vài câu chuyện than vãn với chồng hay nhìn con ăn ngủ ngon, thấy mọi thứ bình yên lắm", Mai tâm sự.

Mai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 2013 cô vào Sài Gòn lập nghiệp rồi một năm sau đó lập gia đình, sinh con. Vì không gian sống không thoải mái nên những dịp Tết trước cô hầu như chẳng chuẩn bị gì mà chỉ chờ về nhà bố mẹ chồng ở Đà Lạt. Nhưng là người gốc thủ đô nên Mai cũng thích những thứ cầu kỳ. Cô nhớ những ngày Tết xa xưa khi cả khu phố mua một con lợn thật lớn về thịt rồi chia phần, nhà nào cũng gói bánh chưng, làm bánh mứt và giò chả.

"Mấy ngày cuối đông, Hà Nội Tết lại hay mưa phùn, cả khu ngồi gói bánh xay thịt làm giò, đi xin rơm về luộc một nồi bánh chưng dưới sân rồi chia nhau canh lửa. Khi bánh chín thì nhà nào nhà nấy vác rổ xuống chia phần, vui lắm". Cô nhớ những ngày cùng mẹ đi sắm sửa với túi lớn túi bé trên tay nào là bánh kẹo, đồ uống, phong bao lì xì, bát đũa ly tách, cành đào, tranh treo tường, decal dán cửa... Tới 23 tháng chạp là lo mua đào, quất, phong lan treo lên ban công, dọn dẹp nhà cửa, cắm mấy bình hoa, thay áo mới cho bộ sô pha ngày Tết...

Đã mấy năm rồi Mai không còn sống trong không khí rộn rã như thế nữa. "Trước đây do không có một ngôi nhà đúng nghĩa nên mình không cảm nhận được Tết thật sự. Còn bây giờ nhà cửa ổn định mình thấy Tết có ý nghĩa hơn hẳn vì được tự tay tạo không khí cho ngôi nhà của mình", cô nói với ánh mắt long lanh.

Mai hào hứng cho biết là vừa mua mấy bộ gối tựa mới cho phòng khách, vài bộ ly, mấy khay pha lê đựng bánh kẹo Tết - những thứ mà mấy mùa xuân qua cô chưa từng có ý định sắm sửa. Năm nay, bố mẹ cô cũng lần đầu vào Sài Gòn ăn Tết cùng vợ chồng con gái. Mai cũng "thả cửa" để ông xã mời bạn bè đến nhà chơi. Tuy căn hộ nằm xa trung tâm thành phố nhưng lại thuộc trục đường lớn ngay khúc quanh rộng nhất của sông Sài Gòn nên bạn bè cũng thuận tiện di chuyển.

Hai vợ chồng giờ đây đã trút bỏ áp lực chưa có một căn nhà hoàn toàn thuộc về mình mà phải trả tiền thuê không hề rẻ hàng tháng. Đôi trẻ đang từng ngày viết những giấc mơ mới trong ngôi nhà hạnh phúc mà họ xây đắp hơn nửa năm qua.

     Nội dung: Trương Sanh   |   Thiết kế: Thế Bình   |   Kỹ Thuật: Thái Hưng
Đang tải dữ liệu