Hãng cạnh tranh với các đối thủ khác bằng chất lượng hình ảnh 4K HDR, âm thanh Acoustic Surface, hệ điều hành Android tùy biến và thiết kế mỏng nhẹ thời trang.

Kể từ những năm đầu thế kỷ 21, khi chiếc màn hình cong CTR còn chiếm lĩnh thị trường, Sony đã tiến hành những bước nghiên cứu và thử nghiệm dòng màn hình phẳng OLED - công nghệ diode phát quang hữu cơ khi có dòng điện chạy qua. OLED có thể loại bỏ những điểm yếu cố hữu của công nghệ LCD vốn phụ thuộc vào chất lượng đèn nền.

Các bản mẫu lần lượt được giới thiệu đến giới công nghệ, từ 13 inch, đến 24 inch. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hãng điện tử Nhật Bản mới dừng lại ở việc trình làng công nghệ được dự đoán định hình thế giới nghe nhìn trong tương lai, chứ chưa hạ giá thành sản xuất để thương mại hóa.

Nhiều hãng đối thủ của Sony cũng không bỏ qua OLED bởi những ưu điểm vượt trội so với các công nghệ màn hình hiện hữu. Hàng tỷ USD được các thương hiệu tên tuổi toàn cầu đầu tư để giải bài toán thương mại hóa chuẩn màn hình mới này cho đa dạng các thiết bị từ máy ảnh, laptop đến TV, điện thoại...

Trong khi Kodak ra đời máy ảnh kỹ thuật số trang bị màn OLED đầu tiên, Samsung tích cực phát triển dòng màn hình cho thiết bị di động, thì mục tiêu của Sony vẫn là các màn chiếu kích cỡ lớn. Tháng 6/2003, hãng mạnh tay rót 9 tỷ yên để sản xuất dòng sản phẩm OLED. Tuy nhiên, chi phí sản xuất đắt đỏ khiến giá thành dự kiến của các sản phẩm đội lên khá cao, kế hoạch ra mắt OLED bị trì hoãn. Do đó, thiết bị đầu tiên của Sony sở hữu màn OLED chỉ là chiếc máy nghe nhạc MP3.

Đến năm 2007, sau nhiều năm chờ đợi từ giới công nghệ, ông lớn ngành điện tử Nhật Bản cuối cùng cũng tung ra chiếc TV thương mại hóa đầu tiên trên thế giới sử dụng diode phát quang hữu cơ tại triển lãm CES 2007.

Ở kích thước 11 inch và độ mỏng 3mm, model Sony XEL-1 có mức giá 2.500 USD, tương đương một model 40-50 inch áp dụng công nghệ LCD. Các chuyên gia đánh giá sản phẩm của Sony có màu đen sâu, độ tương phản cao, các tông màu nổi bật ấn tượng. Sản phẩm nhận được 1.300 đơn đặt hàng tại Nhật Bản sau ngày ra mắt, mở bán tại Mỹ cũng nhận doanh số cao.

Sau sản phẩm đầu tiên tạo chấn động, Sony gây bất ngờ khi liên tục trì hoãn dòng sản phẩm OLED tiếp theo. Hãng có lợi thế đặt chân đến vạch xuất phát trước các đối thủ, nhưng lại tạm dừng đầu tư phát triển thị trường tiềm năng này bởi cho rằng mức giá chưa phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Đầu năm 2017, tức 10 năm sau sự kiện ra mắt XEL-1, Sony chính thức trở lại đường đua OLED tiêu dùng bằng sản phẩm Bravia A1. Chiến lược tái khởi động dòng màn hình OLED của "người khổng lồ" Nhật Bản vướng nghi ngại, bởi thị trường TV nói chung và OLED nói riêng gần như rơi vào tay các nhà sản xuất khác.

Những hoài nghi này nhanh chóng được dẹp tan. Sản phẩm của Sony làm hài lòng không chỉ người dùng, mà còn giới chuyên gia công nghệ, bởi những công nghệ và thiết kế tinh xảo.

A1 sở hữu độ mỏng chỉ 7,8mm, tương đương một chiếc smartphone nhưng cho chất lượng hiển thị "lộng lẫy" và góc nhìn "không đối thủ" theo đánh giá của chuyên trang TechRadar. Trong khi đó, chuyên gia từ Rtings dành những mỹ từ như "màu đen hoàn hảo" và "chất lượng hình ảnh tuyệt vời" để đánh giá model OLED kích thước lớn đầu tiên của Sony. TV của Sony cũng tái tạo âm thanh thông qua tấm nền với công nghệ Acoustic Surface, cho phép âm thanh trực tiếp đến tai người dùng.

Model kế nhiệm A8F ra mắt đầu năm 2018 cũng thừa hưởng những công nghệ và thiết kế từ sản phẩm đi trước. Mẫu TV mới vẫn tập trung vào chất lượng hình ảnh 4K HDR, âm thanh Acoustic Surface, hệ điều hành Android TV, gói gọn trong khung kính mỏng nhẹ như bức tranh treo tường.
Khả năng hiển thị cao cấp ở hai dòng TV này nhờ sức mạnh và công nghệ xử lý độc quyền trong chipset X1 Extreme. Trong con chip này bao gồm ba công nghệ cốt lõi là HDR, hệ thống hai kho dữ liệu hình ảnh (một dùng để làm ảnh trong hơn, giảm nhiễu tối đa, còn một nâng cấp tín hiệu và cải thiện độ rõ nét), và cuối cùng là khả năng quản lý dải màu thông minh 14-bit cho phép chuyển tông màu mượt mà hơn giữa các sắc thái.

Để X1 Extreme tái tạo hình ảnh chân thực, độ tương phản cao, từ những năm 2000, đội ngũ phát triển TV của Sony bắt tay chặt chẽ với nhánh làm phim Sony Pictures Entertainment để sản phẩm đạt khả năng tái tạo màu sắc chính xác với tác phẩm gốc.

Nhanh chóng sau sự ra đời của hai dòng sản phẩm chủ lực ở phân khúc cao cấp là A1 và A8F, mảng TV của Sony dần phục hồi, đe dọa vị thế dẫn đầu của các đối thủ Hàn Quốc như LG hay Samsung. Từ khoản lỗ hơn 7,4 tỷ USD trong suốt 10 năm qua, Sony lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận ở mảng TV trong quý I/2017, thời điểm ra mắt dòng OLED A1.

Theo số liệu từ Yonhap, thị phần OLED cao cấp mức giá trên 3.000 USD trên toàn cầu của hãng phát triển vượt bậc, từ 0% vào 2016 đạt 44% trong năm 2017. Ở phân khúc trên 1.500 USD, số liệu từ IHS cho thấy Sony chiếm 39% thị phần. Reuters nhận định doanh thu từ mảng TV hạng sang của Sony đứng đầu thị trường, dù thị phần toàn dải của hãng đạt 10,2%. Còn ở sân nhà Nhật Bản, dòng TV OLED của Sony cũng dẫn đầu thị trường với thị phần 39,9%.

Riêng tại Việt Nam, theo số liệu của GfK, tổng số lượng TV OLED bán ra trên thị trường trong 1 năm từ tháng 11/2017 đến tháng 10/2018 tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Sony 55A8F là mẫu TV OLED bán chạy nhất trên thị trường trong tháng 10/2018, kế đến là LG OLED 55C8, tiếp theo là Sony 65A8F. Riêng dòng Sony OLED TV cao cấp nhất hiện nay A9F (55inch và 65inch) mới tung ra thị trường vào tháng 10/2018 đã được người dùng phân khúc cao cấp đặt mua rất nhiều.
Sở dĩ gọi Sony là "bậc thầy" bởi hãng không chỉ là thương hiệu TV lâu đời hàng đầu xứ Phù Tang, mà còn bởi công ty có hoạt động xuyên suốt lĩnh vực hình ảnh, tạo vòng tròn khép kín đồng bộ từ sản xuất cảm biến ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, hãng sản xuất phim, âm nhạc hàng đầu thế giới, có phần mềm chỉnh sửa video chuyên nghiệp, màn chiếu chuyên dụng cho hậu kỳ.

Với hệ sinh thái đó, Sony đặt mục tiêu cao hơn cho các sản phẩm OLED tiêu dùng của mình. Dòng sản phẩm Master Series ra đời với kỳ vọng đưa TV dân dụng tiệm cận các màn hình cân chỉnh chuyên nghiệp Trimaster OLED hiện được giới nghe nhìn chuyên nghiệp sử dụng.

Mẫu A9F - chiếc OLED đầu tiên thuộc dòng Master Series ra mắt tháng 8 vừa qua một lần nữa chứng minh khả năng lẫn kinh nghiệm của hãng, trong việc tạo ra những tấm nền màn hình với chất lượng hiển thị cao cấp vượt trội.

Để làm được điều đó, A9F được tích hợp bộ xử lý hình ảnh X1 Ultimate. So với X1 Extreme, chipset mới của Sony mạnh gấp đôi. Chính vì vậy, hình ảnh từ tấm nền mới vừa có được màu đen tuyệt đối, vừa có được màu sắc rực rỡ nhờ kết hợp thêm tính năng tăng cường tương phản điểm ảnh.

Chipset mới của Sony còn có thể phát hiện một cách thông minh và phân tích từng vật thể trong khung hình thông qua công nghệ mới Object-based Super Resolution (xử lý sắc nét vi mô) với độ chính xác và chi tiết cao hơn phiên bản tiền nhiệm. Bên cạnh đó, công nghệ Object-based HDR remaster - hiệu chỉnh vật thể độc lập - cũng được cải tiến, cho phép mỗi vật thể được xử lý riêng biệt để tăng cường chiều sâu và độ chi tiết, nhờ đó mang lại hình ảnh chân thật hơn.
Hệ thống loa 3.2 công nghệ Acoustic Surface+ tiến đến nâng cấp khả năng truyền dẫn âm thanh qua màn hình. Theo đó, A9F sử dụng ba bộ rung âm trung cao sau lưng TV giúp đồng nhất vị trí hình ảnh và âm thanh như trong rạp chiếu. Hai loa siêu trầm sau lưng TV tạo tần số thấp lan tỏa ra hai bên và tràn ngập không gian.

Với A9F, hãng đồng thời hoàn thiện triết lý thiết kế tối giản của mình, kết nối hai yếu tố "nổi bật" và "hài hòa". TV sở hữu cấu trúc bề mặt nhẹ nhàng, không có điểm gấp khúc và ẩn dây nối để tăng chiều sâu cho trải nghiệm không gian và hình ảnh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực hình ảnh của CE Pro đã thực hiện một bài so sánh giữa 4 mẫu TV cao cấp. Kết quả, TV OLED Sony A9F đã giành chiến thắng thuyết phục, được vinh danh “King of TV” của năm 2018. CE Pro đánh giá, A9F nổi bật ở khả năng thể hiện màu sắc, tông da và với độ phân giải thấy được ở chế độ UHD.

Trong khi đó, tại lễ trao giải Tech Awards thường niên do báo VnExpress tổ chức, A9F đã vượt qua các đối thủ để chiến thắng hạng mục “TV xuất sắc” năm 2018. Sản phẩm của hãng điện tử Nhật Bản được đánh giá cao từ độc giả cũng như ban giám khảo nhờ chất lượng hình ảnh, âm thanh cũng như trải nghiệm thông minh. Trước đó, tại Tech Awards 2017, Sony cũng đã chiến thắng hạng mục “TV xuất sắc” với mẫu OLED A1.

Như vậy, từ A1, A8F đến A9F, sau hơn một năm ra mắt đã dần hoàn thiện dải sản phẩm OLED cao cấp của hãng, tiếp tục giúp Sony chinh phục xu hướng thế giới nghe - nhìn trong tương lai.
Đang tải dữ liệu