Lối vào điểm trường Hô Tâu (xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đi qua những con đường mòn đất đỏ, dốc đứng chênh vênh, một bên là vực, một bên là vách núi. Sau cơn mưa rào bất chợt, những vạt nắng tháng 4 len lỏi giữa xanh mướt triền đồi, làm sáng bừng mái tôn của ngôi trường cheo leo nơi bản nhỏ.

Vừ Thị Chia một mình rảo bước trên con đường tới lớp. Những bước chân hôm nay như vội vã hơn. Hai ngày rồi không tới trường, em nóng lòng được nghe tiếng thầy cô và các bạn.

Ở tuổi lên 6, khi những đứa trẻ cùng lứa còn quẩn quanh bên con suối, quả đồi trong bản, Chia đã đi qua quãng đường hơn trăm cây số tới trung tâm y tế trong thành phố. Em được chẩn đoán bị suy thận. Vậy là định kỳ mỗi tháng một lần, mẹ và Chia lại dắt nhau đi bộ, băng qua những ngọn đồi để xuống đường lớn, bắt chuyến xe vào thành phố Điện Biên. Đi và về mất đến hai ngày. Hai ngày đằng đẵng trong thế giới lạnh lẽo của giường bệnh, xung quanh ngồn ngộn người lạ và mùi thuốc khử trùng.

Về trường, về bản, Chia như cá thả về nước. Rất ít nói, khi được gặng hỏi em mới thẹn thùng thổ lộ rằng thích nhất là được đi học. Và khi đi học thì thích nhất là được ăn cơm.

11 giờ trưa, những tiếng ê a đọc bài được thay bằng tiếng kê bàn ghế chộn rộn, tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ. Trong phòng học chưa đầy 20 mét vuông, 30 em nhỏ khoảng 6, 7 tuổi, trong đó có Chia nhanh chóng ngồi quây thành 2 vòng tròn, trước mặt đặt ngay ngắn những phần cơm đã được thầy cô chuẩn bị sẵn. Những đôi mắt to, đen láy chốc chốc lại ngước lên nhìn các thầy, lộ rõ vẻ háo hức khi thầy bày thức ăn.

“Cả lớp hôm nay đi học đủ, không bạn nào về nhà buổi trưa”, thầy chủ nhiệm Tao Văn Nhỏng vừa nhẩm lại sỹ số, vừa luôn tay gắp thức ăn chia đều vào bát từng em. Thực đơn hôm nay gồm món trứng rán cùng 2 tô mỳ tôm đầy nước dùng để chan cơm.

Khi vào bữa, lũ trẻ tuyệt nhiên không nói chuyện. Âm thanh chủ đạo lúc này là tiếng đũa, thìa quẹt vào đĩa, vào cặp lồng cơm. Em nào em nấy thoăn thoắt xúc từng thìa cơm đầy, đưa lên miệng ăn ngon lành.

Ở một góc, Chia được gắp thức ăn do thầy cô nấu theo chế độ riêng. Thận yếu, nên những món nấu cho em không được mặn, không dùng gia vị.

“Những bữa cơm không mùi vị với người bình thường đã khó ăn, với bệnh nhân bị thận, kéo theo chứng chán ăn thì lại càng khó hơn nữa. Vậy mà em vẫn ăn được nhiều hơn trông thấy vì có bạn bè, em này nhìn em kia thi nhau ăn hết bát cơm. Bố mẹ vì thế cũng đồng ý cho Chia đi học đều, yên tâm đi làm nương xa”, thầy chủ nhiệm kể.

11 giờ 30, bữa cơm kết thúc. Trên đĩa chỉ lác đác vài vụn thức ăn. Lũ trẻ tự động xếp hàng rửa bát rồi nối đuôi nhau đi vào lớp ngủ trưa. Khi chúng ngả lưng, cũng là lúc bữa trưa của các thầy cô điểm trường Hô Tâu rục rịch bắt đầu.

Chỉ mới 7 tháng trước, những bữa trưa đủ sỹ số là điều dường như không tưởng với thầy Tao Văn Nhỏng và các thầy cô giáo nơi đây. Điểm trường Hô Tâu chia thành hai lớp tiểu học và mẫu giáo, tổng cộng hơn 80 em. Trong đó, 30 em lớp tiểu học (6 đến 7 tuổi) và 21 em từ 24 đến 36 tháng tuổi lớp mầm non chưa được nuôi cơm bán trú, do không nằm trong độ tuổi được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước tại các điểm trường.

Ký ức về những ngày “không cơm bán trú”, trong cô Nguyễn Thị Trinh - hiệu trưởng mầm non Hô Tâu vẫn còn nguyên.

Giữ lũ trẻ đã khó, nhưng thuyết phục gia đình cho các em đi học còn khó hơn. Lên 5, 6 tuổi, các em đã phải ở nhà bế em, phụ bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ. Các thầy cô dạy từ thứ 2 đến thứ 6, phải tranh thủ buổi tối hoặc cuối tuần đến từng nhà vận động, thuyết phục người dân cho con em đến trường.

Mọi thứ thay đổi từ khi Dự án Nuôi Em của nhóm tình nguyện Niềm tin đến với các điểm trường thuộc các huyện đặc biệt khó khăn như Nậm Pồ, Mường Nhé… của tỉnh Điện Biên từ tháng 9/2018. Thông qua Dự án Nuôi Em, mỗi mạnh thường quân có thể nhận nuôi một (hoặc nhiều) học sinh với số tiền 150.000 đồng mỗi em một tháng.

“Với chỉ gần bằng hai cốc trà sữa ngoài thành phố, là đã có thể góp phần cải thiện bữa ăn suốt một tháng cho một em học sinh tại các vùng sâu, vùng xa của dự án”, anh Hoàng Hoa Trung – chủ nhiệm dự án Nuôi Em nhẩm tính. Nếu chia nhỏ, mỗi suất hỗ trợ ăn trưa trị giá khoảng 8.500 đồng. Trong đó, cơm trắng là các em mang ở nhà, đến trường sẽ được hỗ trợ thức ăn. Thay bằng cá khô, ớt hay lá cây rừng, những bữa cơm nay có thêm thịt lợn, trứng, giò thay phiên nhau trong tuần. Tại nhiều điểm trường, các thầy cô còn tận dụng đất của trường để trồng rau xanh, bổ sung dinh dưỡng cho các bé.

Tính cả các em được hưởng chế độ bán trú của Nhà nước, hiện 100% các học sinh của điểm trường Hô Tâu đã có thể ăn và ngủ trưa lại tại trường từ thứ 2 tới thứ 6.

Ngôi trường nhỏ ẩn mình sau những vạt rừng xanh mát, dọc theo con suối trở thành mái ấm vỗ về giấc ngủ, bữa cơm cho hơn 80 em học sinh. Những suất cơm bán trú vỏn vẹn 8,500 đồng, đã trở thành thứ níu chân những đứa trẻ vùng cao bám trường, bám lớp.

Ông Nguyễn Xuân Thuận – Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, hiện địa bàn huyện có tất cả 19.000 em trong độ tuổi mầm non và tiểu học, chủ yếu là dân tộc H’Mông. Trong đó, trên 9.000 em được hỗ trợ theo chế độ cơm bán trú của Nhà nước. Một số được các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm hỗ trợ. Còn hơn 4.000 em hiện chưa được nuôi cơm.

Sống ở tỉnh nghèo vùng biên giới Tây Bắc, nhiều em rơi vào hoàn cảnh bố mẹ bỏ sang Trung Quốc làm ăn, không ai chăm sóc, một số khác thì bố mẹ nghiện ma túy, bỏ bê việc chăm sóc, nuôi dạy các em… Những đứa trẻ vùng cao nơi biên cương như cây cỏ dại, gieo mầm rồi tự lớn lên bằng sức sống hoang dại giữa núi rừng.

Cũng theo thống kê của UNICEF, người dân tộc H’Mông, hiện chiếm khoảng 1 triệu người trên tổng dân số Việt Nam. Tỷ lệ trẻ em H’Mông suy dinh dưỡng thấp còi (trẻ quá thấp so với độ tuổi) rất cao, một số nơi lên tới 75%.

Một bữa ăn “đủ dinh dưỡng”, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, phải gồm 4 nhóm chất: bột đường, đạm, vitamin và khoáng chất, chất béo đ ể đảm bảo trẻ phát triển cân bằng. Tuy vậy, với điều kiện sống của các thầy trò ở bản Hô Tâu hay tại hàng nghìn điểm trường trên vùng cao khác, tỷ lệ dinh dưỡng hay thành phần nhóm chất là những khái niệm xa vời.

Thầy Nhỏng, cô Trinh không rõ hàm lượng dinh dưỡng trong những suất cơm trưa 2 đến 3 món là bao nhiêu. Chỉ biết những bữa cơm chỉ 8.500 đồng, với những em nhỏ Hô Tâu là đã đủ đầy với cơm trắng, thức ăn và chiếc bụng không reo lên vì đói. Các em có giấc ngủ trưa vẹn tròn thay vì phải đi bộ về nhà kiếm đồ ăn trên đường đèo chênh vênh, hiểm nguy rình rập.

Và với riêng Vừ Thị Chia, những bữa cơm có thịt luộc, trứng rán không gia vị lại… “tròn vị” hơn nhiều so với cái đắng của thuốc em đang uống.

Đến thăm điểm trường Hô Tâu hôm ấy còn có những người làm thiện nguyện khoác màu áo xanh của GrabFood đã vượt hàng nghìn cây số, mang theo tấm lòng thơm thảo đến với các em. Mắt họ cay cay khi chứng kiến những đứa trẻ húp sột soạt những sợi mỳ tôm nóng hổi một cách ngon lành, như thể đó là cao lương mỹ vị mà cả đời chưa từng được thưởng thức.

Bữa cơm trưa, như ngọn đèn nơi mảnh đất rẻo cao, thắp sáng hi vọng của những trẻ em đến trường, nuôi tiếp ước mơ con chữ. Thêm một bàn tay góp chung, là một đứa trẻ tiến gần hơn đến giáo dục, đến thoát nghèo.

Từ những bữa cơm trưa cho trẻ em nghèo, nhóm tình nguyện Nuôi Em tiếp tục mang những ngôi trường khang trang, giá sách, chăn ấm, nước sạch… đến với vùng cao. Hơn 5.000 em nhỏ được nuôi cơm từ những anh chị nuôi. 5 điểm trường được xây dựng trên những bản cao Lai Châu, Mường Nhé, Nậm Vì, Pá Lùng, Xà Quế…

Trong năm 2019, Grab phối hợp cùng dự án Nuôi Em chính thức triển khai chương trình “Chung Tay Nuôi Em” trên phạm vi toàn quốc, mang đến những bữa trưa dinh dưỡng cho trẻ em nghèo miền núi. Hơn cả sự đóng góp, Grab nỗ lực kết nối dự án Nuôi em với các đối tác nhà hàng sẵn có, đồng thời giúp lan tỏa dự án sâu rộng hơn tới cộng đồng. Qua đó, các nhà hảo tâm có thể chung tay tạo điều kiện và động lực tốt nhất để các em nhỏ vùng cao vững chí học tập và vươn lên, cất bớt gánh nặng trên hành trình tiếp cận con chữ.

Đồng hành cùng chương trình “Chung Tay Nuôi Em” của Grab và dự án Nuôi Em còn có sự hỗ trợ từ hai đối tác của dịch vụ GrabFood bao gồm Otoke và The Alley, cam kết cùng nhau nỗ lực viết tiếp những câu chuyện cổ tích trên vùng cao Tây Bắc.
Đang tải dữ liệu