Khai bếp vốn là hành động tự phát, các gia đình Việt vẫn thực hiện mỗi đầu xuân nhưng chưa thể gọi tên ra. Khi đời sống tâm linh nhạt dần, ta phải tìm một yếu tố để giữ hơi ấm đầu năm, hành động khai bếp mới dần phổ biến, mang tính tự giác.
Tiến sĩ Trần Long, Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam,
khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM.
Tết xưa, có lẽ vui nhất là cả nhà, cả xóm túm tụm bên gian bếp đượm lửa hồng thức đêm trò chuyện canh nồi bánh chưng, xua đi cái lạnh đêm đông. Giữa tháng Chạp, nhiều chị em thường chọn sẵn hàng heo (lợn) ngon, đến sạp đỗ, quầy nếp quen để mua thứ tốt nhất về gói bánh chưng. Rồi cả nhà từ người lớn đến trẻ nhỏ, mỗi người đều được phân công rõ ràng một việc. Buổi đêm canh bánh, bọn trẻ con thì háo hức đợi người lớn vùi vài củ khoai mùa trước vào lò như phần thưởng cho công sức lao động đầu đời; người lớn thì bàn chuyện làm ăn, kể chuyện buồn vui, những giận hờn cũng cứ thế trôi đi. Không khí ấm áp của nồi bánh chưng như chất lửa tạo khí thế cho năm mới, tạo nên chất kết dính đặc biệt cho cả gia đình.

Cũng gian bếp ấy là nơi nuôi dưỡng bao thế hệ người Việt lớn lên, chứng kiến giọt nước mắt vui mừng của mẹ ngày biết tin con nhận giấy báo đậu đại học, sự bịn rịn của ba ngày tiễn con tay xách nách mang rời làng lên thành phố, hay bữa cơm đoàn viên ngày đầu xuân đón những đứa con xa quê trở về. Gian bếp cứ thế mà trở thành là biểu tượng quý giá nhất khi nhắc đến gia đình, đến Tết. Bước ra từ gian bếp, mỗi người đều phải học cách trưởng thành. Cứ nghĩ về gian bếp, lại tự khắc cảm thấy được vỗ về, thấy sự ấm áp của gia đình hiện hữu.

Cảm xúc ấy, không phải là không có nguyên do.
Bếp của người Việt có nhiều tầng ý nghĩa. Đó là nơi tái tạo sức lao động, sức khỏe, giữ không khí đầm ấm gia đình. Cũng từ gian bếp, chúng ta hình thành văn hóa ứng xử, tạo lập nền tảng văn hóa gia đình, gốc rễ của văn hóa xã hội. Gian bếp còn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ như nội tướng - người giữ lửa, giữ hạnh phúc.
Theo Tiến sĩ Trần Long
Người Việt có câu chuyện về Táo quân - 2 ông một bà. Trong đó, bà là Thổ Kỳ lo chuyện chợ búa, ngụ ý rằng phụ nữ nắm chuyện chi tiêu của gia đình, ông Thổ Công phụ trách bếp núc còn ông Thổ Địa trông coi nhà cửa, đất đai. Người Việt cũng có hẳn một ngày đưa các vị Táo quân về trời, mong các vị “nói tốt” cho gia đình với Ngọc Hoàng bởi những vị thần này gần gũi gia chủ hơn tất thảy.

Gian bếp hình thành văn hóa nhận thức, tổ chức, ứng xử cho người Việt. Qua thời gian, chúng ta hiểu được bữa cơm nên có món gì, mùa đông ăn gì để ấm, hạ về thì loại nào thanh nhiệt. Một kho kinh nghiệm cũng từ gian bếp mà được đúc kết, truyền thừa từ bà sang mẹ, chị sang em: tôm sống bống chết, chuối sau cau trước, heo ăn má cá ăn đầu, con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…

“Cũng từ bếp, ta có văn hóa tổ chức bữa ăn: ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, Tiến sĩ Trần Long phân tích. Tại sao lại ăn xem nồi? Sự khác biệt của văn hóa Việt chính là nét đẹp và sự tinh tế khi hành xử. Nhìn không phải là hành động chăm chăm soi xét cái nồi mà tự mình ước lượng thức ăn có ít hay nhiều, hàm lượng bổ dưỡng để nhường nhịn nhau. Bữa ăn xưa không hề dư dả, con gà chặt ra cả nhà ăn đến 3 ngày. Vậy nên mới có văn hóa gắp thức ăn, để phần ngon nhất cho khách đường xa đến thăm nhà, em út bệnh mới dậy, chị Hai vừa sinh con…
Bên cạnh văn hóa nhường nhịn, ngồi xem hướng là vấn đề tổ chức bố trí, mà trong đó có cả yếu tố văn hóa ứng xử. Một người chưa xong việc thì cả nhà không động đũa, cha đang bận ngoài đồng, anh hai học chưa về cũng phải chờ đủ thành viên mới cùng ăn.

Trong bữa ăn cũng chia thành hướng phục vụ và được phục vụ. Hướng phục vụ dành cho phụ nữ - nơi cửa bếp, gần nồi - để nêm thêm muối, múc đầy canh, bới cơm, gắp cá cho các thành viên khác. Còn hướng được phục vụ là khách, người già, trẻ em… phải ngồi xa nồi cơm, cửa bếp. Phải xem trong mâm cơm đó người nào lớn tuổi, người nào nhỏ tuổi để ngồi cùng nhau, người nhỏ tuổi không được xen vào mâm cơm người lớn tuổi nói leo.
“Ngày Tết, không gì thay thế được nồi bánh chưng. Nhưng ngày nay điều kiện nấu bánh chưng hạn chế, nhà ở thành phố không có chỗ nấu, kinh tế phát triển với bánh gói sẵn, hình thức giải trí, vui chơi đa dạng hơn, đời sống tâm linh nhạt dần… Vì vậy ở đô thị - nơi không khí ấm áp gia đình bị giảm đi, cần tìm yếu tố khác bổ sung vào”, vị chuyên gia văn hóa cho biết.

Trong hành trình đi tìm những yếu tố bổ sung ấy, Tiến sĩ Trần Long đề cập đến một khái niệm lạ mà quen: Khai bếp. Theo ông, khai bếp là một hình thức tự phát của người phụ nữ, xuất phát từ nguyện vọng giữ lửa, sự ấm áp cho gia đình. Ngày Tết trở dậy sớm, hâm thức ăn, nấu nước nóng châm trà để ngọn lửa không bị tắt đi. Đó chính là khai bếp đầu năm, mỗi người đều chủ động thực hiện nhưng trong vô thức, không gọi tên nó ra.
Tiến sĩ Trần Long phân tích, khai bếp nên được chú trọng, biến nó từ tự phát trở thành thói quen văn hóa nhằm giữ nguyên vẹn không khí ấm áp ngày xuân nhờ việc hội tụ tất cả thành viên gia đình trong cùng một không gian. Ngày xưa là cùng gói bánh, thức chờ nồi bánh chưng sôi còn ngày nay, cùng nhau khai bếp, giản đơn nhưng không kém phần trang trọng, ấm áp.

Ngoài việc gợi lại không khí đoàn tụ ngày xuân, khai bếp có ý nghĩa rất lớn, có thể coi như một hình thức cầu may mắn, sung túc đầu năm. Đây là nghi thức được xây dựng dựa trên triết lý ngũ hành. Khi hội đủ 5 yếu tố tự khắc sẽ tương sinh, tạo sự hanh thông, phát triển cho năm mới.

Khai bếp, do đó, là nét đẹp văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở nghi thức, vì vậy có thể phá vỡ các quy tắc cứng nhắc về thời gian, chủ thể, cách thức. Ví như không nhất thiết phải thực hiện vào sáng mùng một Tết, cả nhà có thể cùng nhau du xuân, về quê, đến mùng ba trở lại mới cùng hội tụ bật bếp. Thời điểm sáng, chiều, tối cũng không bị áp đặt, tùy thuộc vào sự sắp xếp của gia đình.

Tương tự như vậy, không có quy định chủ thể nhất định phải là phụ nữ - những người đảm nhận vai trò giữ lửa - mà linh động cho cả nam giới, ông bà hoặc con cái. Cách thức cũng đổi khác từ việc thổi rơm, thổi lửa sang bật gas, nhấn nút bếp điện. Có thể dùng dầu ăn để chiên, xào, theo ý nghĩa “cầu giàu” (đọc chệch từ dầu), thay vì đun nước.
Hành kim thể hiện qua nồi, chảo với hình tròn tượng trưng cho một năm trọn vẹn. Hành mộc là đôi đũa tre với một đầu tròn một đầu vuông như âm dương hòa hợp, hạnh phúc lứa đôi. Hành thủy đại diện cho chất lỏng chính là dầu ăn - của cải luôn đủ đầy, gia đình ấm no. Hành hỏa đến từ bếp, là hơi ấm, sức khỏe và hạnh phúc. Hành thổ chính là yếu tố trung tâm - người khai bếp.
Theo ông Trần Long, tuy không ràng buộc nhiều nhưng việc khai bếp cũng được coi là một hoạt động đầu năm, cần tránh các điều kiêng cữ truyền thống, đảm bảo yếu tố tâm linh.

Ví như trong tháng củ mật (tháng 12 âm lịch) cần rà soát, kiểm tra lại các vật dụng để đảm bảo bếp hoạt động tốt, không bị hư, đứt, gãy khi bật lên. Các nguyên liệu dùng khai bếp như gas, dầu ăn cũng phải đủ đầy, như nguyện ước năm mới ăm ắp của cải, không bị thiếu thốn, bật bếp mà lửa không nổi.

Khai bếp phải đủ yếu tố ngũ hành, từ đó mới tạo sự hanh thông, nếu thiếu một yếu tố thôi cũng không thể tròn vẹn. Tránh việc quá nóng vội, bật lửa không nên bùng lên quá to, điện xẹt, cháy nổ hay chẻ củi động đến ông Địa. Thực hiện cẩn trọng từng bước như một hoạt động truyền thống, vừa làm vừa giải nghĩa cho thế hệ sau, nhằm lưu truyền giá trị tốt đẹp của việc khai bếp. Nếu khai bếp qua việc chiên, xào món ăn cũng cần lưu ý chọn nguyên liệu, phù hợp với thời tiết, ý nghĩa. Cùng với đó, chọn chủ thể khai bếp là những người khỏe mạnh, tính cách tốt, có giao ước trước về các bước thực hiện để mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn.

Vậy nên Tết hôm nay với những người ở nông thôn hay phố thị, muốn gợi lại không khí đoàn viên ấm áp, không cần gượng ép bày biện một nồi bánh chưng giữa căn hộ chật hẹp. Vẫn là sự quây quần bên gian bếp, nhưng chúng ta chọn cách khác, cùng bố mẹ, con cái diện chiếc áo đỏ cầu may, cùng nhau khai bếp để gửi gắm những nguyện ước giản dị về ngày xuân ấm áp tình cảm gia đình, mở ra một năm mới chứa vạn điều an lành, vui vẻ.
Khai bếp: Từ thói quen trong nếp nhà đến ước vọng giàu có cả năm
 
 
VBRAND
Nội dung: Hoài Nhơn  |  Thiết kế: Thế Bình  |  Kỹ thuật: Quốc Toàn
Đang tải dữ liệu