Tổng giám đốc Công ty Intel Việt Nam Thân Trọng Phúc. Ảnh: N.H. |
- Công ty Intel Asia Holding đầu tư vào Việt Nam là một bất ngờ lớn bởi dư luận trong nước vốn trông chờ việc này nhưng chưa bao giờ tập đoàn Intel đề cập một cách chính thức. Ông lý giải điều này thế nào?
- Phương châm làm việc của Intel là giữ bí mật cho đến khi thành công mới công bố. Thực tế dự án được đề cập từ năm 2001, nhưng rõ ràng nhất là từ thời điểm cuối 2003. Intel đã gửi phái đoàn khảo sát tìm hiểu về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi đầu tư, hậu cần, phương tiện chuyên chở hàng hóa, chu kỳ các chuyến bay, an ninh... Những cuộc đàm phán, thỏa thuận sơ khởi được tiến hành vào giữa tháng 8/2005. Giai đoạn kiểm tra, thương lượng, đồng ý đầu tư và xin giấy phép kéo dài từ tháng 10/2005 đến đầu năm 2006. Nguyên tắc của Intel là sẽ giữ kín thông tin đến phút cuối cùng nếu không có sự công bố của Bộ Kế hoạch đầu tư.
- Việc xây dựng Công ty TNHH Intel Product Vietnam có ý nghĩa gì trước thương hiệu đối thủ AMD đang dần có thị phần tại Việt Nam?
- Intel không bao giờ đầu tư theo đối thủ. Hơn nữa, AMD chiếm một thị phần rất nhỏ. Chính xác là nhà máy được xây dựng dựa trên 4 yếu tố: môi trường đầu tư thuận lợi, điều kiện cho nhà máy hoạt động tốt, chính sách ưu đãi đầu tư cũng như sự quan tâm của Chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và cuối cùng là thị trường tăng trưởng.
- Quy mô hoạt động của Intel Product Vietnam như thế nào?
- Trong giai đoạn 1, Intel sẽ đầu tư 300 triệu USD cho nhà máy hoàn chỉnh sản phẩm đầu cuối từ wafer (ATM). Giấy phép đầu tư của Intel là 605 triệu USD, và đầu tư giai đoạn 2 thế nào phần lớn phụ thuộc vào kết quả trước đó.
Sắp tới, nhà máy sẽ được động thổ và chính thức đi vào hoạt động khoảng cuối năm 2008 dù rằng Chủ tịch tập đoàn muốn rút ngắn đến cuối 2007. Trên thực tế, do phải nâng mặt bằng tại đây thêm 3 m nên thời gian xây cất còn phụ thuộc vào tiến độ sẵn sàng của khu đất. Tuy nhiên, lộ trình mà Intel đưa ra là hoàn toàn có thể tin tưởng.
- Intel Việt Nam có vai trò gì đối với công ty mới này?
- Vai trò của Intel Việt Nam là tập trung phát triển thị trường. Chúng tôi có trách nhiệm giúp công ty mẹ tìm hiểu tiềm năng của thị trường Việt Nam và kết quả là dự án của tập đoàn Intel đã được trao giấy phép đầu tư vào Khu công nghệ cao TP HCM. Trong khi đó, Intel Product Vietnam chuyên về sản xuất. Công ty này sẽ có rất nhiều chương trình hoạt động hướng vào phát triển cộng đồng. Cả hai sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau dù trên pháp lý là độc lập, vì sự vững mạnh của Intel, nhằm mở rộng thị trường, phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như tạo ra công ăn việc làm.
- Khi nhà máy đi vào hoạt động, giá chip cũng như các sản phẩm khác của Intel được phân phối chính thức trong nước sẽ thay đổi và tác động như thế nào đến thị trường máy tính Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh máy tính giá rẻ ngày càng lấn lướt?
- Giá các sản phẩm không phụ thuộc vào sự hiện diện của nhà máy dù ở bất kỳ quốc gia nào. Nó chỉ phụ thuộc vào nhu cầu, số lượng sản xuất, chiến lược kinh doanh của công ty cũng như lộ trình phát triển công nghệ và sản xuất. Công ty mẹ luôn đề ra mục tiêu là phát triển thị trường máy tính ngay tại nơi đặt nhà máy, như trường hợp tại Trung Quốc, Ấn Độ... Còn mục tiêu chính của nhà máy Intel tại Việt Nam là sản xuất và xuất khẩu. Nếu thị trường phát triển mạnh thì Intel sẽ dốc sức đầu tư nhiều hơn. Mong muốn của công ty là số máy tính trong 5-10 năm tới tại Việt Nam sẽ phát triển và phổ biến tương đương với lượng máy truyền hình. Khi đó, máy tính chất lượng cao nhưng chắc chắn giá cả sẽ giảm đáng kể.
- Ông hãy cho biết thêm về nguồn nhân lực của nhà máy và đánh giá nhân công của Việt Nam so với Thái Lan, Hong Kong, Singapore?
- Chi phí nhân công tại Việt Nam thấp hơn, trình độ cơ bản tốt song cần đào tạo thêm về chuyên môn. Nhà máy sẽ vận hành với 1.200 nhân viên, trong đó bộ phận sản xuất sẽ có khoảng 800-900 người, số còn lại là chuyên gia kỹ thuật, kỹ sư, bộ phận nhân sự, tài chính, hậu cần... Thời gian đầu hoạt động, các chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm sẽ trực tiếp quản lý và về lâu dài sẽ do người Việt Nam phụ trách. Ngay từ bây giờ, Intel đã công bố tuyển chọn chuyên gia trong nước và gửi sang các nhà máy khác của công ty đào tạo. Mọi thông tin tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng của Intel có thể nộp đơn trực tiếp tại địa chỉ www.intel.com/jobs/Vietnam.
Chiến lược lâu dài của Intel là kết hợp với các trường đại học tên tuổi trong nước như Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên... đưa vào giáo trình giảng dạy, xây dựng phòng lab cũng như cung cấp thiết bị thực hành nhằm đào tạo nguồn nhân lực ngay tại chỗ.
Song Hằng