Theo Instagram, việc này nhằm giảm bớt các thông tin sai lệch được chia sẻ trên nền tảng của họ. Mạng xã hội này sẽ dựa vào những phản hồi của cộng đồng, kết hợp cùng công nghệ do các kỹ sư phát triển để nhận dạng những bức ảnh giả mạo.
Khi bị đánh dấu là giả, bức ảnh đó sẽ không được xuất hiện trong trang Khám phá, giảm mức độ tiếp cận tới cộng đồng. Instagram cũng sẽ tạo một lớp phủ trên ảnh, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng thông tin trong ảnh có thể không chính xác, thậm chí ẩn bức ảnh đó trên hệ thống.
Việc hạn chế những bức hình đã qua "photoshop" được Instagram công bố từ cuối năm 2019. Tuy nhiên đến nay, khi áp dụng, tính năng này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bởi Instagram vốn là mạng xã hội chuyên chia sẻ hình ảnh nghệ thuật.
Trong dẫn chứng mới đây, trang Petapixel phản ánh về việc một số người dùng bị chặn xem bức hình người đàn ông đứng trên một dãy núi có màu cầu vồng và được Instagram cảnh báo là ảnh chứa thông tin sai lệch. Tuy nhiên, bức ảnh này vốn dĩ không phải được đăng tải với mục đích đưa tin, mà là ảnh thuộc thể loại giả tưởng, nghệ thuật.
Nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng cho rằng, việc chặn hiển thị với những bức ảnh đã "photoshop" khiến họ "mất đi niềm vui" khi dùng Instagram, bởi đây vốn là mạng xã hội để chia sẻ những bức hình đẹp, chứ không phải một mạng xã hội chia sẻ tin tức như Twitter hoặc Facebook.
Quý Văn