Tổng thống Wahid... ngủ gật trong buổi họp Quốc hội. |
Trong thực tế, bản Hiến pháp năm 1945 (năm Indonesia giành độc lập) không đề cập tới việc luận tội người đứng đầu Nhà nước. Tuy nhiên, nó cho phép cơ quan lập pháp tối cao của quốc gia, Hội đồng Hiệp thương Nhân dân (MPR), được tổ chức một phiên họp đặc biệt, yêu cầu Tổng thống từ chức. Dưới thời ông Suharto, việc này là không tưởng, vì một nửa trong số 1.000 thành viên của MPR là do ông chỉ định, còn Quốc hội, cơ quan chiếm số thành viên còn lại, thì nằm dưới tầm kiểm soát (khá hiệu quả) của chính phủ.
Nhưng ngày nay, mọi chuyện đã khác. MPR chỉ có 700 thành viên, trong đó 500 người thuộc Quốc hội và gần như tất cả 500 người đó đã tỏ rõ quyết tâm hạ bệ Abdurrahman Wahid. Tổng thống Wahid đang bị dồn tới chân tường. Tuyên bố tuần trước của ông, sẽ thiết lập tình trạng khẩn cấp và giải tán Quốc hội, chẳng đi đến đâu, bởi vì không được cả nội các lẫn quân đội ủng hộ.
Chông gai trên bước đường làm tổng thống của Abdurrahman Wahid
Tháng 10/1998, khi ông Abdurrahman Wahid lên cầm quyền, cả Indonesia trông đợi ông mang lại cho đất nước một bầu không khí mới mẻ, với những cuộc cải cách trong lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị. Và quả thật, ông đã bắt đầu nhiệm kỳ với việc tước bớt sức mạnh của quân đội.
Nhưng cũng từ đó, đất nước bắt đầu vấp phải hết khó khăn này đến khó khăn khác. Nền kinh tế chơi vơi trong tình cảnh đồng rupiah tụt giá, thị trường chứng khoán thì suy thoái đến mức kỷ lục. Hàng nghìn người chết, 1 triệu người bỏ nhà cửa vì xung đột tôn giáo, sắc tộc, đấu tranh ly khai. Rồi một loạt vụ nổ bí ẩn làm rung chuyển cả thủ đô Jakarta. Năm ngoái, bom đã nổ ở Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố làm 15 người thiệt mạng. Sự thống nhất và ổn định của đất nước bị đe dọa nghiêm trọng.
Một trong những cam kết của ông Wahid khi lên nắm quyền là đấu tranh chống nạn tham nhũng. Khổ nỗi, cũng từ đó, những lời buộc tội tham nhũng cứ bám riết lấy ông. Tổng thống bị tình nghi dính líu vào hai vụ bê bối, một có liên quan đến việc nhân viên xoa bóp của ông biển thủ 4 triệu USD tiền ngân sách, một là chuyện ông nhận 2 triệu USD từ Quốc vương Brunei. Cuộc tranh cãi giữa Tổng thống và những người buộc tội ông đã bùng nổ thành ẩu đả trên đường phố giữa lực lượng phản đối và lực lượng ủng hộ Abdurrahman Wahid. Khắp nơi trên đất nước nghìn đảo, bạo lực liên tiếp nổ ra.
Quốc hội cũng phê phán ông Wahid bất tài, “liên tục phạm sai lầm, có những sai lầm rất nghiêm trọng”, không đưa nổi cựu tổng thống Suharto ra tòa, không bắt được Tommy Suharto (con trai ông Suharto, bị buộc tội tham ô, đang trốn ở nước ngoài).
Những khó khăn Indonesia đang phải đối đầu không chỉ đơn thuần là chuyện chính trị. Đất nước này còn có vô số vấn đề kinh tế nghiêm trọng cần giải quyết, ít nhất là vì quyền lợi của hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói.
Đoan Trang (theo BBC, 30/5)