
Một phần của đuôi máy bay QZ8501 chìm dưới biển Java. Ảnh: AP
"Hoạt động cứu hộ sử dụng khí cầu để vớt đuôi máy bay sẽ bắt đầu vào ngày mai", Reuters dẫn lời người điều phối hoạt động tìm kiếm và cứu hộ Indonesia, Supriyadi, nói với các phóng viên tại Pangkalan Bun, thị trấn ở miền nam Borneo gần hiện trường vụ tai nạn nhất.
"Thời tiết đã ngăn cản chúng tôi trục vớt đuôi máy bay trong hôm nay", ông Supriyadi cho biết. Biển động, dòng chảy xiết và tầm nhìn kém đã khiến việc tìm kiếm và trục vớt gặp khó khăn.
Người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia, Fransiskus Bambang Soelistyo, cho biết cần cẩu cũng có thể được sử dụng để trục vớt đuôi máy bay và nói thêm rằng việc tìm kiếm các thi thể nạn nhân còn lại vẫn là trọng tâm chính của hoạt động này.
Đuôi máy bay được tìm thấy vào hôm qua, nằm lộn ngược dưới đáy biển Java, cách vị trí máy bay xuất hiện trên radar cuối cùng 30 km và ở độ sâu khoảng 28-32 m.
Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn còn là một bí ẩn. Hy vọng hiện tập trung vào hộp đen. Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái có thể cung cấp những manh mối quan trọng.
Chiếc máy bay QZ8501 là loại Airbus A320-200, đặt hộp đen gần phần đuôi. Tuy nhiên, các quan chức cảnh báo rằng hộp đen có thể đã bị tách ra khỏi đuôi máy bay trong thảm họa này.
Khoảng hai chục thợ lặn hôm nay lặn xuống biển để tìm kiếm các mảnh vỡ của máy bay QZ8501, biến mất khỏi màn hình radar vào ngày 28/12 khi đang trong hành trình từ Surabaya đến Singapore. Tín hiệu từ hộp đen của máy bay được phát hiện gần nơi đuôi máy bay chìm trong nước, nhưng các tín hiệu bị mất ngay sau đó.
Phương Vũ