Theo IFL Science, ngôi làng Kalisari hẻo lánh trên đảo Java, Indonesia có khoảng 150 hộ sản xuất đậu phụ. Dù đậu phụ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, việc sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều nước. Người sản xuất phải dùng trung bình hoảng 33 lít nước để làm ra một kg đậu phụ. Ngoài ra, người sản xuất còn bổ sung acid acetic chua vào quá trình sản xuất, sau đó thải ra các con sông gần đó.
Tuy nhiên, theo AFP, nếu được xử lý bằng một loại vi khuẩn trong thùng chứa đặc biệt, nước thải từ quá trình sản xuất đậu phụ có thể giải phóng một lượng khí sinh học đáng kể. Sau đó, khí này được dẫn trực tiếp đến các hộ gia đình để dùng làm nhiên liệu nấu ăn.
Hiện tại, ngôi làng đã phát triển 5 bể chứa nước. Các bể chứa này có thể cung cấp năng lượng sạch cho hơn 100 hộ gia đình, thu hút lãnh đạo địa phương ở các làng và thị trấn lân cận đến tham quan, học hỏi. Ngoài ra, năng lượng từ sản xuất đậu phụ được kỳ vọng có thể sử dụng cho việc thắp điện trong làng.
Nguồn khí sinh học này rẻ hơn so với khí gas thông thường, vốn chỉ thỉnh thoảng mới được chuyển đến các vùng nông thôn của Java.
Indonesia thường xuyên nằm trong danh sách 5 quốc gia hàng đầu thế giới về phát thải khí nhà kính. Năm ngoái, nước này đặt mục tiêu cắt giảm 29% lượng khí thải các-bon vào năm 2030, đồng thời kiểm soát nạn phá rừng trên diện rộng.
Xem thêm: NASA muốn sản xuất nhiên liệu cho tàu vũ trụ ngay trên sao Hỏa
Vân Du