Công hàm được phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký António Guterres hôm 12/6, nhằm phản hồi công hàm của Trung Quốc gửi ngày 2/6 liên quan đến Biển Đông.
Trong công hàm này, Indonesia nêu hai điểm nhằm tái khẳng định lập trường đối với vấn đề Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/5/2016.
"Không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa, do đó không thực thể nào tại đây tạo ra vùng chồng lấn với EEZ hoặc thềm lục địa của Indonesia", công hàm nêu.
Điểm thứ hai được Indonesia nêu trong công hàm là không có quyền lịch sử nào liên quan đến Trung Quốc tồn tại trong ở EEZ và thềm lục địa của Indonesia. "Nếu có bất kỳ quyền lịch sử nào tồn tại trước khi UNCLOS có hiệu lực, các quyền đó đã được thay thế bởi quy định của UNCLOS", công hàm của Indonesia nhấn mạnh.
Bởi vậy, Indonesia nhận thấy không có lý do pháp lý nào theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, để tiến hành đàm phán phân định ranh giới trên biển với Trung Quốc hoặc về bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến quyền lợi hoặc lợi ích hàng hải được đưa ra trái với luật quốc tế.
Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hợp Quốc cũng đề nghị lưu hành công hàm này tới toàn thể thành viên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS), cũng như mọi thành viên của UNCLOS và Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn" bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông để đòi chủ quyền theo "quyền lịch sử", dù trái ngược với quy định của UNCLOS cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Không giống nhiều quốc gia khác trong khu vực, tuyên bố chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông không trực tiếp xung đột với Trung Quốc. Tuy nhiên, vùng đặc quyền kinh tế của nước này xung quanh quần đảo Natuna chồng lấn với đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc. Tàu cá Trung Quốc đã nhiều lần hoạt động trong khu vực này.
Indonesia hôm 26/5 gửi thư cho Liên Hợp Quốc, nói rằng "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông thiếu cơ sở luật pháp quốc tế, trích dẫn quyết định năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague. Thư cũng bác bỏ các yêu sách lịch sử phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Ngoại trưởng Indonesia ngày 4/6 khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông gây tổn hại lợi ích kinh tế của Indonesia.
Mỹ đầu tháng này cũng gửi công thư cho Tổng thư ký Guterres, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là "không phù hợp với luật pháp quốc tế". Công thư của Mỹ nói về công hàm CML/14/2019 Trung Quốc gửi cho LHQ ngày 12/12/2019 để phản đối đệ trình của Malaysia lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) cùng ngày. Mỹ yêu cầu Liên Hợp Quốc gửi công thư phản đối này đến tất cả thành viên, đồng thời đăng trên trang web của văn phòng pháp chế.
Việt Nam ngày 10/4 cũng đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.
Huyền Lê