Mỹ cuối tuần qua tổ chức tập trận chung với Indonesia ở Batam, cách quần đảo Natuna 480 km. "Đây là cuộc tập trận chung thứ hai của Indonesia và Mỹ tại khu vực này. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận tương tự trong năm tới", Reuters dẫn lời phát ngôn viên hải quân Indonesia Manahan Simorangkir, hôm nay cho biết. "Chúng tôi muốn biến những cuộc diễn tập quân sự đó thành hoạt động thường xuyên ở khu vực này", Simorangkir nói thêm.
Cuộc tập trận của hai nước có sự tham gia của các máy bay giám sát và tuần tra như P-3 Orion, có khả năng phát hiện tàu ngầm và tàu nổi.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết tháng sau ông sẽ tới thăm Natuna, quần đảo gần như không có người ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Borneo, để hoàn tất kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự tại đây.
Giới chức Indonesia cho biết các cuộc tập trận chung với Mỹ và kế hoạch củng cố căn cứ quân sự tại Natuna không phải là phản ứng với bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào.
"Cần nhớ rằng Indonesia không tham gia vào bất kỳ tranh chấp nào" ở Biển Đông, Simorangkir nói và khẳng định Indonesia không muốn gây ra sự cố ở Biển Đông, đồng thời cam kết giữ vững cách tiếp cận ngoại giao từ trước đến nay của Jakarta".
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tháng trước khẳng định tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là "không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế". Jakarta muốn tiếp tục là bên "trung gian trung thực" trong các tranh chấp ở khu vực.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này hôm 9/4 công khai kế hoạch xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông và ngang nhiên cho rằng việc xây dựng là để "phòng vệ quân sự và cung cấp dịch vụ dân sự".
Mặc dù Indonesia không phải là một trong những bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, quân đội nước này cho rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc có tính cả một vài phần quần đảo Natuna của Indonesia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 10/4 bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời lợi dụng "quy mô và sức mạnh" để bắt nạt các nước nhỏ hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuần trước cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ và quy mô của việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo.
Phương Vũ