Hàng trăm quan chức và khách mời mặc trang phục truyền thống của các bộ tộc Indonesia ngày 17/8 tập trung tại một bãi cỏ giữa đại công trình xây dựng các tòa nhà chính phủ ở trung tâm thành phố Nusantara, tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo để dự lễ quốc khánh.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và các bộ trưởng nội các cùng tham dự buổi lễ tại dinh tổng thống mới, được xây dựng theo hình dáng vị thần bảo hộ Garuda có cánh đại bàng ở Nusantara.
Buổi lễ ban đầu được lên kế hoạch để khánh thành Nusantara trở thành thủ đô mới của đất nước, nhưng do đại dự án bị chậm tiến độ, chưa rõ khi nào lễ chuyển giao sẽ diễn ra.
Tổng thống Widodo hồi đầu tuần cho biết sẽ mời 8.000 khách, nhưng số người tham dự lễ quốc khánh sau đó được rút xuống 1.300, vì Nusantara không có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để đón tiếp lượng quan khách quá đông.
Hơn 5.000 sĩ quan cảnh sát và quân đội Indonesia đã được triển khai cho buổi lễ và 76 người cầm cờ danh dự diễu hành sau quốc kỳ. Lễ kỷ niệm quốc khánh tại Nusantara được tổ chức đồng thời với buổi lễ tại Cung điện Merdeka ở Jakarta, do Phó tổng thống Ma'ruf Amin chủ trì.
Ông Widodo bắt đầu làm việc tại dinh tổng thống mới ở Nusantara từ cuối tháng 7 và tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên tại đây hôm 13/8.
Thành phố Jakarta, với dân số hơn 10 triệu người, đang đối mặt tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, ngập lụt và ô nhiễm không khí. Tình trạng ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước khoảng 4,5 tỷ USD mỗi năm.
Đô thị này còn đang chìm tới 25 cm mỗi năm ở một số khu vực, gấp đôi mức trung bình của các thành phố ven biển lớn trên toàn cầu. Một số chuyên gia dự đoán 1/3 thủ đô hiện tại của Indonesia có thể chìm dưới nước vào năm 2050, thúc đẩy chính quyền tổng thống Widodo dời đô.
Thủ đô mới bắt đầu được xây dựng vào giữa năm 2022, trải rộng trên diện tích khoảng 2.600 km2 giữa những khu rừng rậm trên đảo Borneo. Giới chức Indonesia cho biết đây sẽ là một thành phố xanh với nhiều rừng và công viên, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời áp dụng quản lý chất thải thông minh.
Nhưng dự án bị các nhà bảo vệ môi trường và cộng đồng bản địa chỉ trích, cho rằng nó làm suy thoái môi trường, thu hẹp không gian sống của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi và đẩy người bản địa, vốn dựa vào canh tác đất đai để kiếm sống, phải di dời.
Hầu hết nhà đầu tư xây dựng thủ đô mới là các công ty Indonesia, chính phủ chỉ đóng góp 20% trong tổng chi phí 33 tỷ USD của đại dự án. Để thu hút các nhà đầu tư, Tổng thống Widodo gần đây đưa ra nhiều ưu đãi cho thủ đô mới, như quyền sử dụng đất lên đến 190 năm và các khoản giảm thuế hào phóng.
Với dân số khoảng 275 triệu người, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tổng thống Widodo, người đã lãnh đạo đất nước trong 10 năm, sẽ rời nhiệm sở vào tháng 10 năm nay.
Vũ Hoàng (Theo AP)