Thông tin cho rằng các loại đồ ăn, thức uống và gia vị như dừa tươi, sữa tiệt trùng có thể phòng chống hay thậm chí chữa Covid-19 gần đây lan truyền mạnh trên mạng xã hội Indonesia, khiến người dân nước này đổ xô đi tích trữ các loại hàng trên, dẫn tới nhu cầu về nguồn cung cũng như giá cả tăng cao.
Trước tình cảnh đó, các chuyên gia y tế Indonesia lo ngại sẽ xảy ra tác dụng phụ nếu người dân tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm họ tin là có thể chống Covid-19. Niềm tin không có căn cứ khoa học này cũng có thể khiến họ chủ quan, không tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
"Mọi người đã nhận được thông tin sai lệch là các loại thực phẩm đó có thể chữa Covid-19 hoặc ít nhất là phòng ngừa, khắc phục một vài triệu chứng nhiễm bệnh", tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi, lãnh đạo cơ quan phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Indonesia, nói.
"Chưa có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy các loại thực phẩm như vậy có hiệu quả ngừa Covid-19 chứ đừng nói đến chữa khỏi", Tarmizi khẳng định. Quan chức Bộ Y tế Indonesia cho biết thêm cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo người dân không tích trữ các mặt hàng trên, song nhiều người vẫn làm ngơ.
Vài tuần qua, một số video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người Indonesia chen nhau mua sữa bò từ một thương hiệu vì tin rằng loại sữa này có thể "tăng đề kháng", từ đó chống được Covid-19. Do nhu cầu tăng đột biến, một số đại lý cho biết loại sữa này đã tăng giá gấp 5 lần.
"Tôi được biết loại sữa này rất tốt. Tôi không hoàn toàn tin nó có thể chống Covid-19, nhưng chẳng mất gì nếu cứ đề phòng thêm", người dân tên Merry Sihombing nói.
Ngoài sữa bò tiệt trùng, người dân Indonesia cũng đổ xô tích trữ dừa, khiến loại quả này tăng giá gấp đôi so với bình thường.
Tiến sĩ Hermawan Saputra thuộc Hiệp hội Chuyên gia Y tế Công cộng Indonesia (IAKMI) cho biết người dân đang chán nản trước Covid-19 và tin vào bất cứ điều gì họ nghĩ rằng có thể bảo vệ mình trước đại dịch.
Indonesia hiện ghi nhận hơn 2,8 triệu ca nhiễm và hơn 70.000 ca tử vong do nCoV. Ca nhiễm hàng ngày ở Indonesia gần đây đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành tâm dịch mới toàn cầu.
Ngọc Ánh (Theo CNA)