"Điều họ làm không phải đánh bắt cá mà là hành vi tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia", South China Morning Post ngày 18/10 dẫn lời Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti trả lời phỏng vấn sau một cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta. "Bạn nên ghi câu này lại. Họ cần phải hiểu".
Pudjiastuti vốn là người có quan điểm thẳng thắn và theo đuổi những chính sách cứng rắn liên quan tới quyền lợi của người dân Indonesia với nguồn thủy hải sản.
"Chúng tôi có một số bất đồng (với Trung Quốc) về các vấn đề liên quan đến đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không tuân thủ nguyên tắc nhưng họ vẫn không đồng tình với việc liệt chúng vào hành vi tội phạm xuyên quốc gia", Bộ trưởng Pudjiastuti nhấn mạnh. "Không có sự hỗ trợ từ quốc tế, chúng tôi không thể chống lại hành vi này".
Trong 4 năm qua, Indonesia đã cấm 10.000 tàu cá nước ngoài đánh bắt thủy hải sản trong vùng biển của họ. Indonesia đã bắt và phá hủy hàng trăm tàu cá như một biện pháp răn đe, chủ yếu trong số đó đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hay Đài Loan.
Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước hành động phá hủy tàu cá của Indonesia. Bắc Kinh hai năm trước tuyên bố sẽ xử lý tình trạng đánh bắt cá vượt mức cho phép hay mở rộng diện tích đánh bắt bằng cách giảm số lượng tàu cá. Tuần trước, một quan chức Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ trừng phạt "không khoan nhượng" với các tàu vi phạm luật lệ và quy tắc đánh bắt cá.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, do trữ lượng cá ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc đang giảm, kết hợp với nhu cầu cao từ thị trường trong nước, Bắc Kinh dường như có xu hướng đánh bắt cá ở cả những khu vực nằm ngoài EEZ của họ.
"Một tàu 100 GT một năm có thể bắt 2.000 tấn cá. Hàng triệu tấn cá đánh bắt, hàng tỷ USD thu về. Đó là những thương vụ làm ăn đa quốc gia lớn. Họ gọi là đánh bắt cá. Chúng tôi gọi là hành vi tội phạm. Chúng tôi không đồng tình với Trung Quốc về việc này", bà Pudjiastuti nói.
Bộ trưởng Pudjiastuti còn cáo buộc các ngư dân Trung Quốc săn bắt cá mập tại quần đảo Galapagos ở Nam Thái Bình Dương, một trong những "kho báu" sinh thái của thế giới.
Bà đồng thời bày tỏ mong muốn "với sự theo dõi và hợp tác của cộng đồng quốc tế", Trung Quốc "cuối cùng sẽ hiểu được họ đáp ứng những mối quan tâm của quốc tế về đánh bắt cá xa bờ".