Kế hoạch hòa bình do Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đưa ra tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La hôm nay bao gồm lệnh ngừng bắn "ngay tại vị trí hiện tại của hai bên xung đột", thiết lập khu phi quân sự bằng cách rút lui 15 km từ vị trí tiền tuyến của mỗi bên.
Theo ông, khu phi quân sự nên do lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giám sát và "Indonesia sẵn sàng đóng góp các đơn vị cho hoạt động gìn giữ hòa bình". Ông cũng gợi ý Liên Hợp Quốc tổ chức trưng cầu dân ý "để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số người dân tại các khu vực tranh chấp".
"Tôi kêu gọi Nga và Ukraine bắt tay để lập tức chấm dứt chiến sự", ông Prabowo nói, lưu ý rằng xung đột kéo dài hơn 15 tháng đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và nguồn cung cấp lương thực của các quốc gia châu Á.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr V. Havrylov, người cũng dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore, bác đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia.
"Chúng tôi sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào khiến chúng tôi phải chấp nhận mất lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea", Havrylov nói, nhấn mạnh rằng kế hoạch phản công của Ukraine vẫn tiến triển theo kế hoạch, bất chấp làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái "chưa từng có" trên khắp đất nước những tuần gần đây.
Trong chuyến thăm Nga và Ukraine năm ngoái, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề nghị đóng vai trò trung gian và nối lại đàm phán hòa bình. Indonesia khi đó giữ vai trò chủ tịch nhóm các nền kinh tế lớn G20.
Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky từng đề xuất kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi "lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine", đồng nghĩa Moskva phải từ bỏ cả 4 khu vực mà họ tuyên bố sáp nhập cuối năm 2022 cùng Crimea, bán đảo Nga sáp nhập hồi năm 2014. Ihor Zhovkva, phó chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, tuyên bố Kiev không quan tâm việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn nếu thỏa thuận đó không yêu cầu Nga rút khỏi những khu vực kể trên.
Tại Đối thoại Shangri-La, Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), lưu ý rằng nếu hỗ trợ quân sự cho Ukraine ngừng lại, chiến sự sẽ nhanh chóng kết thúc, nhưng chủ quyền của Ukraine cũng không còn. Theo ông, hòa bình ở Ukraine phải đạt được theo các điều khoản "chính đáng".
"Chúng tôi không thể ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine bởi chúng tôi không muốn nền hòa bình có được từ việc đầu hàng", ông Borrell nói.
Đáp lại, ông Subianto nói rằng: "Tôi đang đưa ra kế hoạch giải quyết xung đột, tôi không nói ai đúng ai sai".
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)