Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia Haryo Satmiko hôm nay thông báo 69 giờ dữ liệu chuyến bay của chiếc Boeing 737 MAX 8 thuộc hãng hàng không Lion Air đã được trích xuất và tải thành công, bao gồm cả dữ liệu về chuyến bay cuối cùng, AP đưa tin.
Chiếc máy bay rơi xuống biển chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Jakarta ngày 29/10, khiến 189 người trên khoang thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Indonesia kể từ năm 1997 tới nay.
Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay được thợ lặn tìm thấy hôm 1/11 trong tình trạng hư hỏng nặng và các nhà điều tra cho hay họ cần có cách đặc biệt để lấy thông tin từ nó. Thiết bị ghi âm buồng lái hiện vẫn nằm dưới đáy biển song đội tìm kiếm đã khoanh vùng khu vực cần rà soát nhờ tín hiệu định vị yếu.
Có hai loại hộp đen trên máy bay gồm thiết bị ghi thông số chuyến bay và bộ ghi âm buồng lái. Dù được gọi là "hộp đen", hai thiết bị kể trên thực tế đều sơn màu da cam với các sọc phản chiếu. Mọi máy bay thương mại đều buộc phải có hai hộp đen này.
Thiết bị ghi thông số chuyến bay thu thập các thông tin về vận tốc, độ cao và hướng máy bay di chuyển. Thiết bị ghi âm buồng lái ghi lại mọi cuộc trao đổi và âm thanh trong khoang lái của phi công.
Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia Muhammad Syaugi cùng ngày cho biết chiến dịch tìm kiếm các nạn nhân cũng như hộp đen thứ hai của máy bay sẽ được kéo dài tới ngày 7/11. Nhà chức trách Indonesia đưa ra quyết định trên dựa vào đánh giá và quan sát hiện trường tai nạn.
Ông Syaugi thêm rằng đội tìm kiếm hôm qua vẫn bắt được tín hiệu "ping" phát ra từ hộp đen thứ hai nhưng đến hôm nay, họ không còn nghe thấy nó nữa, CNN đưa tin.
Trước khi phi cơ rơi xuống biển, phi công đã xin phép đài không lưu quay đầu máy bay, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Trong khi người nhà các nạn nhân tuyệt vọng muốn biết lý do chính xác, ngành hàng không toàn cầu cũng đang theo dõi chặt chẽ kết quả cuộc điều tra vụ tai nạn đầu tiên của dòng máy bay Boeing 737 MAX sẽ công bố sau 30 ngày nữa.
Dựa trên dữ liệu trên trang theo dõi máy bay Flightradar 24, cựu điều tra viên Scott Dunham thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, nhận định máy bay Lion Air đã va chạm với mặt nước ở vận tốc ít nhất là 1.000 km/h, khiến phi cơ vỡ nát và thi thể các nạn nhân không còn nguyên vẹn.