Không còn đủ khả năng để xuất khẩu dầu là lý do để Indonesia rút khỏi OPEC.
“Các giếng dầu của quốc gia đang dần cạn kiệt”, ông Bambang Yudhoyono nói. Indonesia phải tập trung phát triển sản phẩm nội địa. Mức tiêu thụ dầu trong nước và thế giới gia tăng, trong khi sản lượng của Indonesia đã rơi xuống dưới 1 triệu thùng mỗi ngày.
Một công nhân nhà máy lọc dầu tại Jarkata, Indonesia. Ảnh: AP. |
Đất nước 235 triệu dân này là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á gia nhập OPEC. Từ một nước xuất khẩu, nước này gần đây đã phải nhập khẩu dầu mỏ bởi sự suy yếu trong lĩnh vực đầu tư cho thăm dò và khai thác dầu mỏ kéo dài hàng thập kỷ. Theo ông Yudhoyono, việc có thể gia tăng sản lượng dầu phải mất ít nhất từ một đến ba năm.
Theo Bộ trưởng năng lượng và khoáng sản Purnomo Yusgiantoro, phải đến năm sau 2009, việc Indonesia rút khỏi OPEC mới có thể được chấp thuận, vì nước này đã thanh toán hết các khoản phí và thuế khác cho đến hết năm 2008.
Chính phủ nước này phải cân nhắc có nên tăng giá nhiên liệu trong nước lên 30% để tránh thâm hụt nguồn dự trữ quốc gia giữa lúc giá dầu trên thế giới đang ở mức kỷ lục như hiện nay (vượt qua 120 USD mỗi thùng).
Indonesia phải hỗ trợ dầu diezel, dầu lửa, xăng cho hàng triệu người nghèo trong nước trong vài năm. Tại thời điểm nhạy cảm, giá cả và mức tiêu dùng tăng cao có thể dẫn đến bạo loạn.
Về giá dầu thế giới, ông Yudhoyono nhận định, trong tuần này giá dầu tại nhiều nơi trên thế giới có thể sẽ tăng 20-30% .
OPEC là một tổ chức liên chính phủ gồm 13 quốc gia, được thành lập vào năm 1960 với các thành viên ban đầu là Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela. Indonesia gia nhập tổ chức này vào năm 1962. Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia phải xem xét lại việc là thành viên của OPEC.
Thanh Phương (Theo AP)