Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tjahjo Kumolo cho hay ông đang nỗ lực chấm dứt việc kiểm tra trinh tiết các nữ thí sinh thi tuyển vào Học Viện Hành chính.
"Một phụ nữ có thể không còn trinh vì nhiều lý do, chẳng hạn như bị ngã", RT dẫn lời ông Tjahjo nói. "Thật đáng tiếc cho phụ nữ có trình độ mà lại không đáp ứng được tiêu chuẩn này".
Hồi tháng 11, cơ quan Theo dõi Nhân quyền công bố một bản báo cáo cho hay các nữ thí sinh ứng tuyển vào ngành cảnh sát đang phải chịu đựng cách thử nghiệm "hai ngón tay hạ đẳng".
Cảnh sát Indonesia đưa ra đòi hỏi rất gắt gao với nữ giới, vốn chỉ chiếm khoảng 3% trong 400.000 sĩ quan cảnh sát của nước này.
Thí sinh phải từ 17,5 đến 22 tuổi, cao ít nhất là 1m65. Họ phải chưa kết hôn hay ly hôn, phải theo một trong 6 tôn giáo được nhà nước chính thức công nhận. Họ cũng phải trải qua một cuộc khám sức khỏe, trong đó có bài kiểm tra sức khỏe sinh sản và trinh tiết.
Dù việc mất trinh không khiến họ bị loại ra khỏi lực lượng nhưng tất cả các phụ nữ từng trải qua cuộc khám nghiệm này đều miêu tả nó rất đau đớn và khủng khiếp. Nhiều người chỉ biết về nó ít phút trước khi vào phòng khám.
Cơ quan nhân quyền lên án việc khám trinh tiết trong lực lượng cảnh sát Indonesia là vi phạm nhân quyền, phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Ronny Sompie cho rằng hành động này không phân biệt đối xử.
"Việc khám sức khỏe toàn diện diễn ra với cả các thí sinh nam và nữ, trong đó có kiểm tra bộ phận sinh dục và thử trinh tiết phụ nữ sẽ là một phần trong đó", ông nói. "Chưa bao giờ có quy định yêu cầu nữ cảnh sát phải là trinh nữ, vì thế không hề có sự phân biệt đối xử".
Bất chấp việc kiểm tra nghiêm ngặt, nữ giới dự kiến sẽ chiếm 5% trong lực lượng cảnh sát Indonesia vào cuối năm nay.
Ngoài Indonesia, cơ quan nhân quyền cũng ghi nhận các cuộc khám nghiệm trinh tiết đối với nữ cảnh sát ở những nước khác như Ai Cập, Ấn Độ và Afghanistan.
Năm ngoái, một số quan chức giáo dục Indonesia gây tranh cãi khi đề nghị thử trinh tiết với các nữ sinh tuổi vị thành niên.
Anh Ngọc