"Trong ngày đầu tiên và ngày thứ hai của thảm họa, chắc chắn không có cửa hàng nào mở. Mọi người đều đói. Có những người rất thiếu thốn. Việc hôi của có thể chấp nhận được", AFP dẫn lời phó cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia Ari Dono Sukmanto hôm nay nói.
Tuy nhiên, theo Sukmanto, sau hai ngày, nguồn thực phẩm viện trợ bắt đầu được đưa về, chỉ chờ phân phát nên việc người dân đi trộm đồ, "hôi của" cần dừng lại và ai vi phạm sẽ bị xử phạt.
"Nếu họ lấy máy tính xách tay, tiền... chúng tôi sẽ hành động", ông khẳng định. "Chúng tôi đã bắt 35 người. Có nhiều cây ATM, chúng vẫn hoạt động. Nếu người dân trộm cắp, chúng tôi sẽ bắt và điều tra".
Tuy nhiên, một số phóng viên cho biết nhiều cảnh sát ở thành phố Palu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, sóng thần trên đảo Sulawesi, chưa có động thái mạnh tay nào hoặc vẫn phớt lờ hành vi "hôi của".
Số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất 7,5 độ gây sóng thần ở Indonesia hôm 28/9 đã tăng lên 1.234 người và có thể còn tiếp tục tăng bởi lực lượng cứu hộ đến nay chưa tiếp cận được một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều người từ tuyệt vọng chuyển sang giận dữ vì trải qua gần 4 ngày không có thức ăn, nước uống.
Tại thành phố Palu, người dân phong tỏa các con đường để chặn những xe tải chở thực phẩm khiến cảnh sát không thể ngăn cản. Các biểu ngữ "chúng tôi cần thức ăn", "chúng tôi cần hỗ trợ" được giăng lên. Đám đông cũng tụ tập ở cảng biển để chặn hàng viện trợ từ các con tàu, trong khi trẻ em đi xin tiền trên đường phố.