Hãng tin Reuters hôm 31/1 dẫn hai nguồn tin hiểu cuộc điều tra nói cơ trưởng Iriyanto trên chuyến bay QZ8501 đã rời khỏi ghế và thực hiện thao tác lạ thường, kéo aptomat của một máy tính khi cơ phó mất khả năng điều khiến chiếc Airbus A320.
"Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy cơ trưởng rời khỏi ghế như Reuters đưa tin", ông Ertata Lananggalih, nhà điều tra thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Indonesia (NTSC), phát biểu tại văn phòng điều tra ở thủ đô Jakarta.
Các nhà điều tra còn được cho là đang xem xét báo cáo bảo dưỡng hệ thống Máy tính Tăng độ Ổn định bay (FAC) và cách phi công có thể đã phản ứng với sự cố.
Hãng tin Bloomberg hôm 30/1 đưa tin các phi công đã cố khởi động lại FAC trong chuyến bay và sau đó kéo aptomat để ngắt nguồn điện tới hệ thống này. Cơ trưởng Iriyanto được cho là đã kéo aptomat chứ không phải cơ phó Remy Plesel, người có ít kinh nghiệm hơn và khi đó đang lái máy bay.
"Hiện chưa có dấu hiệu hay bằng chứng nào cho thấy aptomat bị kéo", ông Lananggalih nói. NTSC từ chối cung cấp thêm chi tiết bởi họ đang điều tra tai nạn. Tuy nhiên, một tài liệu do đội điều tra chuẩn bị chỉ ra rằng hệ thống FAC và aptomat khoang lái là những vấn đề đáng lưu ý.
"Đây chỉ là... bản liệt kê. Nó giúp quá trình điều tra trở nên dễ dàng hơn. Có khoảng 40 hoặc 35 vấn đề cần thảo luận", Tatang Kurniadi, người đứng đầu NTSC, trả lời khi được hỏi về tài liệu. "Đây là dự tính ban đầu... nó có thể thay đổi lần nữa tùy theo các diễn biến. Tài liệu được chuẩn bị trong tuần đầu tiên của cuộc điều tra".
Tài liệu không nhắc đến chỗ ngồi của phi công cũng như những chuyển động trong khoang lái. Các nhà điều tra nói còn quá sớm để kết luận tai nạn là do lỗi của phi công hay trục trặc kỹ thuật.
AirAsia từ chối bình luận. AirAsia từng thông báo sẽ không có bình luận nào khi thảm họa QZ8501, tai nạn chết người đầu tiên của hãng, còn đang trong quá trình điều tra.
Indonesia đã hé lộ một vài thông tin thực tế về hoàn cảnh xảy ra tai nạn nhưng chưa công khai bản báo cáo sơ bộ mà nước này nộp lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tuần trước.
Trong khi đó, những người hiểu rõ cuộc điều tra cảnh báo về việc đưa ra giả thuyết nguyên nhân tai nạn. Theo các chuyên gia an toàn hàng không, phi cơ gặp nạn thường do một chuỗi các sự kiện, mỗi sự kiện đều có vài trò nhất định nhưng không đủ để lý giải nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn.
Chuyến bay QZ8501 của AirAsia biến mất khỏi màn hình radar hôm 28/12 khi chưa bay được nửa chặng đường từ Surabaya, Indonesia tới Singapore. Phi cơ sau đó lao xuống biển và toàn bộ 162 người trên khoang thiệt mạng.
Như Tâm