Zsigmond Sándor Papp
- Với ông, viết bây giờ khó hơn hay dễ hơn?
- Từ khi đoạt giải Nobel, tôi đã xuất bản thêm hai cuốn sách. Nhưng trong cả hai, anh sẽ không tìm thấy bất cứ điều gì trước đây tôi chưa từng viết. Tôi không đại diện cho bất cứ ai, không thay mặt ai khi viết. Nếu tôi phản đối thì sẽ là bằng chính danh của mình. Tôi luôn coi viết văn là một công việc cá nhân.
- Ông vẫn viết với ý thức rất rõ về tinh thần trách nhiệm?
- Đó là điều không phải nghi ngờ gì cả. Nhưng nói chung, tốt hơn hết là không nên để tâm đến thứ ý thức trách nhiệm đó. Nếu tôi được hỏi ý kiến về một vấn đề chính trị hay một tình huống cần đến sự phê bình, nó cũng đã đòi hỏi trách nhiệm, nhưng là trách nhiệm với tư cách của một công dân, chứ không phải với tư cách của một nhà văn. Văn học không nên đội lốt chính trị. Nó cần được thể hiện một cách nguyên chất và tự do. Tôi không bao giờ viết vì một đối tượng "độc giả chiến lược" nào đó. Tôi cũng không bao giờ chịu bị áp đặt bởi những quan điểm khiến tôi phải từ bỏ suy nghĩ thực của mình về người khác.
Nhà văn Imre Kertész. |
- Ông nghĩ sao về thành công và thất bại đối với một nhà văn?
- Có hai loại thất bại. Loại thứ nhất, rất khó chịu, là khi bạn không thể thực hiện được một điều gì đó đã vạch ra hoặc phải triển khai nó theo một cách thức khác: bạn chấp nhận thất bại của chính mình. Loại thứ hai là khi bạn tìm ra được sự thật, công bố nó và bị mọi người phủ nhận. Đó cũng là thất bại, nhưng ít nhất, bạn cảm thấy, mình đã nói được một điều gì đó, đã tạo được cơn chấn động nhỏ nào đó xung quanh mình.
- Thế còn thành công thì sao?
- Tôi không biết thế nào là thành công. Một đầu sách của bạn bán được rất, rất nhiều nghìn bản - đó là thành công. Ngày nào đó, sau một buổi đọc sách chăng, có người đến bên bạn và nói, cuốn sách của bạn đã làm thay đổi cuộc đời họ - đó là thành công. Loại thành công mà trong đó một người được tâng bốc lên tận trời luôn làm tôi cảm thấy khó chịu. Tôi chỉ có một lượng độc giả ít ỏi, nhưng ít nhất, họ đọc sách với ý thức tôi là người viết chúng.
- Ngày nay, các nhà văn dường như không tạo dựng được một sự nghiệp đồ sộ ngang tầm với Balzac hoặc Mór Jókai (tiểu thuyết gia vĩ đại người Hungary). Ông nghĩ sao?
- Văn chương không còn là điều gì đó khó hiểu trong thời đại này. Một người không cần phải thể hiện sự tồn tại của mình trên trang viết... Bây giờ, một nhạc sĩ đương đại đã được coi là khá khi ra mắt bản giao hưởng thứ hai. Với văn chương, có lẽ kho ngôn từ phần nào đã già cỗi chăng.
H.T. trích dịch
(Nguồn: Hlo)