Đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa kết thúc đợt công tác tham vấn với Chính phủ Việt Nam. Các cuộc họp giữa IMF và các quan chức Việt Nam xoay quanh diễn biến kinh tế gần dây và những chính sách vĩ mô ngắn hạn, các cải cách trong khu vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước.

IMF muốn hệ thống ngân hàng Việt Nam cải cách nhanh hơn để hạn chế rủi ro. Ảnh: Anh Quân.
Kết thúc đợt công tác, IMF đánh giá cao những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam như lạm phát chung giảm, dự trữ ngoại hối cải thiện đáng kể và xem những triển vọng trong ngắn hạn là tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rủi ro vẫn còn hiện hữu và có thể xuất phát từ khu vực ngân hàng, đặc biệt nếu thiếu một gói cải cách toàn diện. Cụ thể, Quỹ tiền tệ Quốc tế mong muốn có những cải cách về nguồn lực tài chính và pháp lý để đẩy nhanh xử lý nợ xấu.
IMF cũng tin rằng có thể cải cách hệ thống ngân hàng nhanh hơn nữa nếu có nỗ lực chung của cả ngành cũng như việc ghi nhận và xử lý nợ xấu thực hiện kỹ lưỡng hơn. Về Công ty Quản lý Tài sản (VAMC), IMF cho rằng cần tăng cường hoạt động của công ty này qua việc tăng vốn và cải cách các văn bản pháp lý liên quan. Hiện vốn điều lệ của VAMC là 500 tỷ đồng. Gần đây, lãnh đạo cấp cao của công ty này từng cho biết có thể đề nghị xin tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo IMF, tỷ lệ thu trên GDP của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm và nợ công tăng. Do đó, những rủi ro có thể xuất phát từ việc vấn đề nợ công không được quan tâm đúng mức. Vì vậy, đoàn công tác khuyến nghị thực hiện một kết hoạch trung hạn nhằm giảm bội chi và nợ công tính theo GDP. "Cần mở rộng cơ sở thu và định hướng lại chi tiêu ngân sách theo hướng tăng chất lượng đầu tư công, chi an sinh xã hội đúng mục tiêu để phát huy những thành tựu giảm nghèo gần đây, hỗ trợ tăng trưởng toàn diện và để chi trả cho phí cải cách hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu", đoàn công tác của IMF khuyến nghị.
Tuy nhiên, trước đó tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vẫn cho rằng nợ công ở mức an toàn. Ông Dũng nói, nếu nhìn theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Còn nếu so với GDP, tỷ lệ này thay đổi không nhiều, dao động trong khoảng 50,1-51,8%, riêng năm 2013 ước tính khoảng 54,1% - dưới mức cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội là 65%.
Ngân Hà