Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới 2015 vừa công bố, ông Olivier Blanchard - kinh tế trưởng của IMF, nhận định: "Các nhân tố mới hỗ trợ đà tăng trưởng, như giá dầu thấp hay euro và yen Nhật yếu đi, đều không thể bù đắp được tác động của các yếu tố tiêu cực, như tàn dư của khủng hoảng tài chính hay tiềm năng tăng trưởng yếu của nhiều nước".
Trước tình trạng này, IMF khuyến cáo các nền kinh tế lớn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để tránh việc lãi suất thực tăng cao và giá dầu giảm làm tăng rủi ro giảm phát.
Tổng giám đốc IMF - bà Christine Lagarde trong một bài phát biểu tuần trước. Ảnh: Bloomberg |
Mỹ là điểm sáng duy nhất trong báo cáo này, khi được IMF nâng dự báo tăng trưởng từ 3,1% lên 3,6% năm 2015. Trong khi đó, triển vọng tại châu Âu tiếp tục suy yếu khi chỉ mình GDP Tây Ban Nha là được điều chỉnh tăng.
Tăng trưởng dự kiến tại các nền kinh tế mới nổi vẫn tiếp tục bị cắt giảm. Nhất là đối với các nước xuất khẩu dầu thô như Nga, Nigeria và Saudi Arbia. GDP Nga có thể giảm lần lượt 3% và 1% năm nay và năm tới.
IMF cũng dự đoán kinh tế Trung Quốc ì ạch sẽ hạn chế khả năng ra chính sách của nước này, khi họ đang phải quan tâm hơn đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và đầu tư quá nóng. Các nước khác thuộc nhóm mới nổi BRIC là Ấn Độ và Brazil cũng bị hạ dự báo tăng trưởng.
Nhóm ASEAN – 5, gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng bị hạ dự báo tăng trưởng năm nay và năm tới, xuống lần lượt 5,2% và 5,3%.
Dù vậy, IMF cho rằng dầu thô giảm giá sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương các nước mới nổi hoãn tăng lãi suất. Việc này cũng sẽ giúp họ có cơ hội cải tổ chính sách thuế và trợ cấp năng lượng và thuế.
Phần lớn nội dung báo cáo trùng với nhận xét tuần trước của Tổng giám đốc IMF - bà Christine Lagarde. Khi ấy, bà cho biết giá dầu giảm và sự tăng trưởng của Mỹ cũng không khiến IMF lạc quan hơn. Khu vực đồng euro và Nhật Bản có thể tăng trưởng chậm và lạm phát thấp thêm một thời gian nữa.
Hương Giang