Nguyên nhân là biến thể Delta đã gây ra sự gia tăng đột biến số ca nhiễm tại châu lục này. "Đại dịch Covid-19 vẫn đang tàn phá khu vực", IMF nhận định trong báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Các nước châu Á tương đối thành công trong việc kiểm soát Covid-19 vào năm ngoái. Nhưng năm nay, một số nơi - bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam - đã phải chiến đấu với làn sóng bùng phát mới. Theo ông Krishna Srinivasan, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF, các nước châu Á đang đi sau châu Âu và Bắc Mỹ trong việc phủ rộng vaccine.
Sự bùng phát trở lại của Covid-19 đã thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt hơn, làm ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ và khiến một số nhà máy phải tạm thời đóng cửa. IMF cho biết, điều đó đã làm giảm triển vọng kinh tế của châu Á, ngay cả khi nhu cầu xuất khẩu rất mạnh.
Trong khu vực, các nền kinh tế đang phát triển bị IMF hạ dự báo nhiều nhất. Myanmar được dự báo tăng trưởng âm 17,9% trong năm nay, nhiều hơn 9 điểm phần trăm so với dự báo trước. Dự báo tăng trưởng của Philippines giảm 3,7 điểm phần trăm xuống 3,2%, trong khi Malaysia giảm 3 điểm phần trăm xuống 3,5%.
Trong khi đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng một số nền kinh tế tiên tiến của châu Á. Hong Kong dự kiến sẽ tăng trưởng 6,4%, tăng từ 4,3% trước đó. Trong khi, dự báo về tăng trưởng của Singapore đã tăng lên 6%, từ 5,2%.
IMF đánh giá, dù hạ dự báo nhưng châu Á vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu trong năm nay. Tăng trưởng của khu vực sẽ do Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu. IMF dự kiến Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay và Ấn Độ tăng 9,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm sau.
Phiên An (theo CNBC)