Tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tổ chức ở Dubai ngày 11/2, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận xét thuế nhập khẩu của Mỹ "là vấn đề biến đổi liên tục". "Nhiều chính sách thương mại đã được công bố từ trong chiến dịch tranh cử, nhưng vẫn còn rất nhiều ẩn số. Hiện tại còn quá sớm để nói về tác động của việc này lên kinh tế toàn cầu", bà cho biết.
Georgieva nhấn mạnh việc đánh giá tác động phụ thuộc chủ yếu vào triển vọng lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, lạm phát hiện cũng khó đoán. "Chúng ta cần quan sát xem mọi việc diễn ra như thế nào. Vì có thể ở một số nước, tăng trưởng xuống dốc sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất. Sức ép lạm phát có thể không lớn", bà cho biết.
Bên cạnh đó, phản ứng của các quốc gia trước chính sách của Mỹ cũng khó dự báo, khiến việc đánh giá ảnh hưởng của thuế nhập khẩu càng mơ hồ.
![Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva trong sự kiện ngày 11/2. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/12/imf-reu-1739351303-1739351334-2563-1739351409.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Tf9fWDjkGXJnoI8y5q6fyA)
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva trong sự kiện ngày 11/2. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2 ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% lên nhôm, thép vào Mỹ. Ông kỳ vọng việc này sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước. Dù vậy, giới phân tích cho rằng động thái này có thể châm ngòi cho chiến tranh thương mại toàn cầu.
Trước đó, ông áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Canada và Mexico cũng bị áp thuế, nhưng được hoãn một tháng sau khi hai nước này đạt thỏa thuận về siết nhập cư và buôn lậu với Mỹ.
Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ được kỳ vọng công bố thêm thuế nhập khẩu đối ứng với hàng loạt quốc gia. Theo đó, nước này sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với hàng hóa Mỹ.
Cũng tại sự kiện ngày 11/2, bà Georgieva nhận định kinh tế toàn cầu hiện rất sôi động, bất chấp nhiều cú sốc chưa từng có tiền lệ gần đây. Tổ chức này dự báo GDP thế giới tăng 3,3% năm 2025, nhỉnh hơn so với 3,2% năm ngoái.
Trong đó, kinh tế Mỹ hiện vượt trội so với các nước G20. Dòng vốn chảy vào Mỹ còn cao hơn trước đại dịch. Tuy vậy, đồng đôla mạnh đang là rào cản với các nền kinh tế mới nổi và phát triển.
Hà Thu (theo Reuters, Anadolu)