Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố tuần này, IMF cho biết lực lượng lao động già đi và tăng năng suất thấp sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP hàng năm của châu Âu. Giai đoạn 2020-2029, tốc độ tăng trưởng có thể chỉ còn trung bình 1,45%.
Trong khi đó, tốc độ này của Mỹ khoảng 2,29%. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt châu Âu sau khủng hoảng tài chính 2008 và càng trở nên rõ rệt từ khi đại dịch xuất hiện.
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu tại IMF Alfred Kammer cho biết châu lục này có nhiều vấn đề "nền tảng", kéo dài hàng thập kỷ. Những năm 2000, GDP bình quân mỗi lao động (điều chỉnh theo phương pháp ngang giá sức mua - PPP) tại Mỹ, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha là ngang nhau.
"Nhưng sau hơn 20 năm, khoảng cách đang nới rộng. Trước đây khoảng cách này không hề có", ông cho biết, nhấn mạnh GDP trên mỗi lao động tại châu Âu hiện thấp hơn 20% so với Mỹ.
Kammer nói rằng đại dịch càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Tốc độ tăng trưởng trung bình tại châu Âu giảm 0,6% so với giai đoạn 2000-2019. Ngược lại, tăng trưởng của Mỹ giai đoạn 2020-2029 được dự báo tăng nhẹ so với 20 năm trước đó.
IMF cho rằng vấn đề của châu Âu liên quan đến nhiều yếu tố, như ít hoạt động xuyên biên giới, mức độ đầu tư kinh doanh và năng suất lao động thấp hơn Mỹ. Sự chênh lệch về năng suất biểu hiện ở hầu hết lĩnh vực, nhưng rõ nhất là công nghệ.
"Năng suất trong lĩnh vực công nghệ tại châu Âu đã chậm lại từ 2005. Trong khi đó, Mỹ tăng gần 40%", IMF cho biết.
Quy mô lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của EU chỉ bằng một phần tư so với Mỹ. Đây là một nguyên nhân khác khiến châu lục này "thiếu sự năng động về kinh doanh", IMF nhận định.
Tại EU, số công ty mới tồn tại dưới 5 năm bằng một nửa của Mỹ. Một báo cáo của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi công bố hồi tháng 9 cũng cho rằng châu lục này phải đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh hơn nữa.
IMF kêu gọi Brussels đưa ra nhiều biện pháp hơn để thống nhất kinh tế của khu vực. "Để khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng, châu Âu cần thị trường chung lớn hơn và thống nhất, đặc biệt về hàng hóa, dịch vụ và vốn", IMF khẳng định.
Dù vậy, Kammer cũng thừa nhận việc thống nhất rất khó khăn. "Chúng ta đều biết giải pháp. Nhưng vấn đề về lợi ích đang khiến các nỗ lực bị ghìm lại", ông kết luận.
Hà Thu (theo Financial Times, Reuters)