Theo Bộ Y tế, đến năm 2030, ngành dược Việt Nam hướng đến mục tiêu đáp ứng 80% nhu cầu trong nước và 70% giá trị thị trường. Nước ta đang tập trung đẩy mạnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất, gia công ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và thuốc hiếm chưa sản xuất được. Những doanh nghiệp dược phẩm như Imexpharm đang tăng cường đón nhận cơ hội mới cho ngành.
Tăng tốc R&D để đón đầu tiềm năng tăng trưởng
Tại đại hội cổ đông 2024, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) công bố đã chi 5% doanh thu thuần cho hoạt động R&D mỗi kỳ. IMP đang đẩy nhanh chiến lược đầu tư, đón đầu các sản phẩm thuốc giá trị cao trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước. Đây là những nỗ lực cần có để Việt Nam từng bước phát triển, trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực.
Bà Chaerhan Chun, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Imexpharm, cho biết công ty đầu tư 5% doanh thu cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm 2023, công ty có 91 dự án R&D, trong đó có 15 dự án đã ra mắt thị trường, tạo ra lợi thế về những sản phẩm dược mới.
Nền tảng cho sản xuất dược công nghệ cao
Rất nhiều doanh nghiệp dược phẩm như Imexpharm, Dược Hậu Giang, Domesco... đã hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp củng cố tài chính, quản trị, tiếp cận các công nghệ sản xuất tiên tiến. Hiện tại, số nhà máy tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP là 228, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vaccine, 6 nhà máy sản xuất đóng gói thứ cấp vaccine và 77 nhà máy và sản xuất dược liệu.
Hiện Imexpharm sở hữu 11 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP lớn nhất cả nước tại 3 cụm nhà máy (IMP2, IMP3, IMP4), tiếp tục giữ vị trí số một về sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh tại Việt Nam. Nhà máy IMP 4 được ghi nhận mức doanh số đạt được 80 tỷ đồng sau 5 tháng đi vào hoạt động và nhà máy IMP 5 đang được xây dựng. Nhờ đó, doanh nghiệp tự tin mang lại tỷ suất lợi nhuận cao trong các năm tới.
Thầy thuốc nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm cho biết, công ty đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng doanh thu gộp 24% và doanh thu thuần tăng 19%, dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12%, EBITDA tăng 18%. Imexpharm sẽ tiếp tục mở rộng danh sách các nhà cung cấp nguyên liệu và phát triển các chiến lược giá cạnh tranh để gia tăng thị phần ETC. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ thị trường ETC, đồng thời duy trì đà tăng trưởng doanh thu kênh OTC.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối tài chính Nguyễn An Duy cho hay, mục tiêu trong 2024 của công ty là vẫn giữ vững mức biên lợi nhuận tốt, khoảng 40-41% nhờ vào động lực năm 2023, với biên lợi nhuận khoảng 40,6%.
Cơ hội tiếp cận biệt dược giá hợp lý
Việt Nam đã bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2017, GDP của Việt Nam đứng thứ 3 ở trong khu vực Đông Nam Á, vì vậy chi tiêu cho sức khỏe của người Việt ngày càng tăng trưởng. Đáp ứng nhu cầu điều trị thiết yếu, ngành dược cần tập trung nguồn lực nghiên cứu và sản xuất những loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc hiếm, thuốc phát minh. Theo Cục Quản lý dược, mỗi năm, Việt Nam phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu thuốc, sản lượng thuốc trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu. Điều này đòi hỏi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa cả về giá cũng như chất lượng sản phẩm.
Imexpharm dẫn đầu thị trường trên kênh ETC với doanh số bán hàng gấp 1,8 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Các sản phẩm của công ty đã thay thế thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện, giúp tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và tạo ra rào cản đối với các hãng dược nước ngoài. Năm 2023, Imexpharm tăng trưởng trên kênh OTC với doanh số OTC đóng góp 51% vào tổng doanh thu.
Vừa qua, doanh nghiệp đã bắt tay với Genuone Sciences Inc - Tập đoàn dược phẩm đến từ Hàn Quốc để hợp tác đăng ký, sản xuất và phân phối thuốc tại Việt Nam và bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Genuone sang Imexpharm.
Đại diện Imexpharm cho biết, việc nhiều sản phẩm thuốc đặc hiệu được sản xuất tại Việt Nam góp phần tăng cơ hội tiếp cận của người tiêu dùng đối với các loại thuốc vốn chỉ được nhập khẩu từ nước ngoài như trước đây. Song, số lượng lớn các sản phẩm dược phẩm trên thị trường cũng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi sự cải tiến về chất lượng dược phẩm cũng như điều chỉnh giá hợp lý với khả năng của người tiêu dùng.
(Nguồn: Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm)