Ngày 25/4, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm đã tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại quận 1, TP HCM.
Tại đại hội, ông Sung Min Woo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, năm 2024 là một năm đầy biến động và nhiều bất ổn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Imexpharm đã đạt những kết quả vượt trội. Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp, hướng đến trở thành một công ty dược hàng đầu châu Á, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đủ năng lực cạnh tranh trực tiếp với các công ty dược đa quốc gia.
Năm 2024, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Kênh ETC tăng trưởng 56%, với tỷ trọng doanh thu từ thuốc tiêm đạt tiêu chuẩn EU-GMP chiếm 33% tổng doanh thu. EBITDA đạt 521 tỷ đồng, tăng 12%, với biên lợi nhuận 24%, vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 404 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch lợi nhuận, bất chấp áp lực chi phí khấu hao từ nhà máy IMP4.

Một phần dây chuyền sản xuất thuốc gói tại nhà máy EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm
Tại cuộc họp, các cổ đông cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 là 5% trên vốn điều lệ bằng tiền, theo đề xuất của hội đồng quản trị, nhằm giữ vững dòng tiền cho hoạt động đầu tư chiến lược, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực cho dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh (IMP5) trong năm 2025.

Phiên thảo luận tại đại hội đồng cổ đông Imexpharm 2025. Ảnh: Imexpharm
Tại sự kiện, đại hội cổ đông cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025. Cụ thể, tổng doanh thu dự kiến đạt 2.981 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2024; doanh thu thuần dự kiến đạt 2.649 tỷ đồng, tăng 20,1%; lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu 493,5 tỷ đồng, tăng trưởng 22,1%; EBITDA đạt 635 tỷ đồng, tăng 21,9%, với biên EBITDA được duy trì ở mức cao 24%.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, Imexpharm tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để mở rộng danh mục sản phẩm, dự kiến ra mắt 16 sản phẩm mới trong năm 2025. Các sản phẩm tập trung vào các phân khúc công nghệ cao như thuốc "first generic" (nhóm thuốc công nghệ cao), thuốc tương đương sinh học và các dạng bào chế phức tạp, dự kiến đóng góp 5-10% doanh thu, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Cùng với đó, công ty mở rộng năng lực sản xuất, với kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy IMP5 theo chuẩn EU-GMP vào cuối năm nay. Với công suất thiết kế dự kiến 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm, IMP5 sẽ là động lực giúp Imexpharm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và củng cố vị thế trong phân khúc thuốc sản xuất trên dây chuyền EU-GMP với hàm lượng công nghệ cao và giá trị cao.

Các dược sĩ làm việc tại phòng Lab của nhà máy đạt chuẩn EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm
Đồng thời, Imexpharm đang tăng tốc mở rộng độ phủ thị trường theo chiều sâu lẫn chiều rộng. Tại miền Bắc, khu vực được xác định là trọng điểm chiến lược trong kế hoạch phân phối toàn quốc, công ty đã tái cấu trúc toàn diện hệ thống bán hàng, mở rộng đội ngũ, tinh chỉnh mô hình tiếp cận, và ghi nhận mức tăng trưởng gần 50% số lượng khách hàng trong năm 2024. Quý một năm nay, cả doanh thu và số lượng khách hàng giao dịch phía Bắc đều tăng 30% so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực của tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Ông Nguyễn An Duy, Phó tổng giám đốc khối tài chính Imexpharm, nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và quản trị hiệu suất như những đòn bẩy then chốt cho giai đoạn tăng trưởng mới. Hệ thống báo cáo thông minh, các nền tảng quản trị dữ liệu tài chính - vận hành - bán hàng, cùng mô hình quản trị tinh gọn đang giúp công ty kiểm soát chi phí, đồng thời quyết định nhanh và chính xác hơn.
Ông Nguyễn An Duy cũng khẳng định việc đẩy mạnh hợp tác với các chuỗi nhà thuốc đang mang lại hiệu quả tích cực về cả doanh số, thị phần và biên lợi nhuận, vì đơn hàng từ các chuỗi nhà thuốc thường có khối lượng lớn, giúp công ty tối ưu hóa chi phí sản xuất nhờ tận dụng lợi thế kinh tế quy mô.
Trong bối cảnh tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, Imexpharm đã chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển các dòng kháng sinh thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ông Lê Văn Nhã Phương, Phó Tổng Giám đốc khối Sản xuất, cũng chia sẻ về ba nhóm điều trị trọng điểm mà Công ty đang đẩy mạnh phát triển là: tim mạch, tiêu hóa và tiểu đường. Những nhóm này hiện có quy mô thị trường hơn 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) và đang có mức tăng trưởng kép ổn định từ 8-13% mỗi năm (theo IQVIA).
Về năng lực cạnh tranh, Thầy thuốc nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, nhấn mạnh ba yếu tố then chốt giúp Imexpharm duy trì đà tăng trưởng vượt trội: năng lực sản xuất chuẩn EU-GMP, danh mục kháng sinh thế hệ mới với độ phủ bệnh viện rộng khắp, và mô hình vận hành tinh gọn, minh bạch, hiệu quả.
(Nguồn: Imexpharm)