- Anh chơi golf từ lúc nào?
- Tôi cầm gậy từ khi lên 3 tuổi, nhưng đến khoảng 7 tuổi tôi mới thực sự bắt đầu chơi golf. Bố mẹ tôi đều chơi môn này.
- Năm 17 tuổi, anh trở thành golfer chuyên nghiệp rồi thi đấu vài mùa ở đấu trường Nhật Bản. Từ khi nào anh quyết định chuyển sang Mỹ?
- Từ khi tôi có suất thi đấu giai đoạn hai của đấu trường Web.com Tour - tiền thân của Korn Ferry Tour hiện tại - năm 2017. Đó là lần đầu tôi đến cũng như đánh golf ở Mỹ.
- Khi sang Mỹ, anh điều chỉnh thế nào về mặt văn hóa và ngôn ngữ?
- Tôi sống từ khách sạn này sang khách sạn kia, và ở thành phố nào, tôi cũng cố tìm các nhà hàng chuyên món Hàn. Thêm nữa, đó không phải là lần đầu tôi đánh tour ở nước ngoài. Trong hai năm đấu ở Nhật Bản, mọi việc cũng tương tự.
- Ẩm thực Hàn Quốc ở Mỹ thế nào?
- Gần giống nhau thôi.
- Nếu không có chỗ ở tại Mỹ, anh làm gì trong thời gian xả hơi? Ví dụ, lúc không đánh AT&T Pebble Beach Pro-Am, anh đã làm gì?
- Tôi ở Palm Springs hai ngày và tập ở sân PGA West rồi sau đó đến Los Angeles sớm vài ngày. Vẫn ở khách sạn thôi. Nhưng vấn đề là tôi phải tìm một sân có thể "tiếp đón" tôi trong tuần đó.
- Thế anh nghĩ sao về việc mua nhà ở Mỹ?
- Tôi vẫn thích ở khách sạn hơn
- Vì sao?
- Hết mùa giải, tôi lại về Hàn Quốc vài tháng. Khi "đi làm", tôi thích ở khách sạn hơn. Kết thúc mùa giải thì tôi muốn thoải mái ở nhà.
- Trải nghiệm nào khiến anh ngạc nhiên khi thi đấu ở Mỹ?
- À, đó là việc được thi đấu với những người mà tôi từng thấy trên tivi thời thơ bé. Thậm chí còn sốc nữa. Và kế đến là quỹ thưởng hậu hĩnh mà tôi chưa từng được nhận trước đây. Cảm giác nói chung là danh giá thật.
- Anh đã gặp Tiger Woods chưa?
- Trước đây thì chưa, nhưng tôi đã chào hỏi khi gặp anh ấy ở các giải đấu. Phải đến Presidents Cup 2019, tôi cũng được gặp Tiger một cách đàng hoàng.
- Nhân tiện nhắc đến Presidents Cup, anh đã có màn ra mắt ấn tượng đấy chứ. Trải nghiệm lúc đó ra sao?
- Rất khác biệt. Nhưng thứ duy nhất tôi nghĩ đến trong tuần đó là làm thế nào để giúp đội tuyển Quốc tế chiến thắng.
- Anh làm gì lúc rỗi rãi ở PGA Tour?
- Trong văn hóa Hàn Quốc, chuyện giao du bạn bè với người chênh lệch tuổi tác không phổ biến. Tôi có nhiều bạn sơ giao nhưng không nhiều người cùng tuổi. Joaquin Niemann bằng tuổi, nên tôi cảm thấy thoải mái khi cùng cậu ấy đi chỗ này chỗ nọ. Nhưng hầu hết, tôi chỉ loanh quanh trong khách sạn.
- Hóa ra anh cũng ổn khi ở một mình nhỉ?
- Thực ra giải nào tôi cũng có bố mẹ tháp tùng. Chúng tôi lấy hai phòng. Một phòng cho họ, còn lại cho tôi.
- Anh là Tân binh xuất sắc của PGA Tour 2018-2019 và có màn khởi nghiệp thật ấn tượng, dù chưa đoạt chiếc Cup nào. Anh cần thay đổi gì để tạo được đột phá?
- Thật tình mà nói, phải có yếu tố may mắn nữa mới có thể đoạt Cup, dù các nhà vô địch là những người giỏi nhất. Tôi nghĩ họ thắng cũng nhờ một phần may mắn nào đó. Và cả sự kiên trì. Tôi cần nhẫn nại hơn.
- Anh tiêu tiền thưởng từ các giải đấu như thế nào?
- Tôi có mua cho mẹ một chiếc túi xách.
- Hàng đắt tiền à?
- Một chiếc đẹp thôi.
- Anh chắc không cần ô-tô riêng khi dời qua khách sạn mới?
- Uber, Uber, Uber muôn năm!
Năm 2019, Im xuất hiện ở PGA Tour. Ngay mùa đầu tiên, anh đã được đặt biệt danh Iron man - "Người sắt", "Cỗ máy" vì thi đấu nhiều nhất, tới 35 giải. Dù trong số này có đến 29 chặng đấu trên đất Mỹ, anh không có nhà cố định, cũng không thuê riêng hoặc chia sẻ căn hộ với người khác. Im chỉ ở khách sạn, theo lối sống đơn giản gồm ăn-ngủ và đánh golf. Vậy nhưng thành tích của Im lại ấn tượng, với bảy lần cán đích trong top 10 và là tân binh duy nhất lọt vào giải hạ màn Tour Championship. Phong độ ổn định đã giúp Im ẵm danh hiệu "Tân binh hay nhất" của PGA Tour và được gọi vào đội hình tuyển Quốc tế ở Presidents Cup 2019. Ở giải đấu trên sân Royal Melbourne hồi tháng 12, Im đạt ba trận thắng, một thua và một hòa, trong đó anh đánh bại đương kim vô địch major US Open - Gary Woodland ở nội dung đối kháng đơn. Đến nay, Im đã dự 48 sự kiện PGA Tour, với 10 lần thuộc top 10 chung cuộc, lĩnh 4,77 triệu USD tiền thưởng. |
Quốc Huy (theo Golf Digest)