Trong một mùa hè đẫm lệ, Liverpool từ biệt Steven Gerrard, Barcelona chia tay Xavi, còn Bayern Munich thì cũng vừa tiễn Bastian Schweinsteiger sang Man United. Nhưng không có một cuộc chia tay nào tạo ra nhiều tranh luận như khi Casillas giã biệt mái nhà mà anh đã gắn bó suốt 25 năm.
Vâng, 25 năm. Cả cuộc đời sự nghiệp Casillas trôi qua ở đó. Năm 1990, cậu nhóc sinh ra ở Mostoles được nhận ngay vào tuyến trẻ của Real khi mới chín tuổi. Anh hay tin mình lên đội một khi đang trong lớp học phổ thông. Anh chưa biết bất kỳ một môi trường bóng đá ngoài khác Real Madrid. Với ba chức vô địch Champions League, năm chức vô địch La Liga và cùng nhiều danh hiệu khác, Casillas là một trong những cầu thủ vĩ đại của lịch sử Real. Trên bình diện quốc tế, hai chức vô địch Euro (2008, 2012) cùng một lần vô địch World Cup (2010) - tất cả đều đạt được trên vai trò thủ quân - cũng biến Casillas thành một trong những thủ môn huyền thoại của bóng đá thế giới.
Vậy nhưng trong những năm cuối cùng tại Bernabeu, Casillas lại là đề tài tranh luận của báo giới. Thậm chí nội bộ CLB, từ phòng thay quần áo cho đến người hâm mộ, cũng chia rẽ vì anh. Nhiều CĐV từng tôn sùng Iker đã quay sang chỉ trích, gọi anh là "topo" (gián điệp).
Cách gọi ấy xuất phát từ phát biểu của Jose Mourinho vào cuối năm 2012. Trong trận đấu với Malaga mà Real đã thua 2-3, Mourinho đã ám chỉ Casillas - phải ngồi dự bị trận ấy - là gián điệp khi anh tuồn thông tin về đội hình xuất phát cho báo giới. Cuộc đối đầu Mourinho - Casillas ngày ấy đã biến Madrid thành một bãi chiến trường. Casillas thậm chí còn lên gặp Chủ tịch Florentino Perez để ra tối hậu thư: một là anh, hai là HLV người Bồ Đào Nha.
Không biết dừng đúng lúc
Kể từ mùa Giáng sinh 2012 ấy, hình ảnh của Casillas trong mắt các CĐV đã thay đổi. Họ nhìn thấy ở anh một người luôn cố giữ vị trí bằng mọi giá, tạo thêm vây cánh để củng cố địa vị trong đội. Mourinho đã "thua" trong cuộc nội chiến ở Madrid, nhưng Iker cũng không thắng. Khi Real giành cú Decima với chiến thắng trước Atletico Madrid tại chung kết Champions League hồi năm ngoái, Casillas là người bị chỉ trích nhiều nhất khi trực tiếp phạm sai lầm dẫn đến bàn mở tỷ số của Atletico. Mà những sai lầm kiểu ấy, trong hai năm cuối của Casillas, không ít một chút nào.
Trận chung kết đó được tiếp nối bởi một kỳ World Cup tủi hổ - nơi Tây Ban Nha bị loại ngay vòng bảng dù là đương kim vô địch. Nhưng khi mọi người chờ đợi Casillas sẽ ra đi thì anh vẫn kiên quyết ở lại, buộc Real phải bán Diego Lopez cho AC Milan. Ngày Lopez - cũng là một thành viên do Real tự đào tạo - chia tay Madrid, anh đã nói: "Mọi người biết tôi là người giỏi nhất mà, phải không?"
Rồi Real chiêu mộ Keylor Navas, thủ môn hay nhất La Liga thời điểm ấy và vừa có một kỳ World Cup cực kỳ thành công với Costa Rica. Nhưng Navas cũng cam chịu cảnh dự bị cho Casillas, vì cái bóng của anh quá lớn. Thế là những trận đấu của Real mùa vừa qua bỗng trở thành diễn đàn cho hai phe ủng hộ và chống đối Casillas. Có thể nói việc không giải quyết rốt ráo vấn đề thủ môn chính là nguyên nhân khiến Real tay trắng mùa giải vừa qua, đồng thời đặt dấu chấm hết cho triều đại của Carlo Ancelotti.
Casillas rất yêu Real, điều ấy không phải bàn cãi. Và trong cuộc chia tay để sang Porto, không một ai đau đớn hơn anh. Nhưng giá như Casillas biết dừng đúng lúc, chia tay sau khi vô địch Champions League hồi năm ngoái, hình ảnh của anh trong mắt các CĐV sẽ lung linh hơn nhiều. Peter Schmeichel rời Man United sau cú ăn ba lịch sử năm 1999, Xavi chia tay Barca sau cú ăn ba thần thánh mùa vừa qua, còn Philipp Lahm giã từ đội tuyển sau chức vô địch World Cup 2014. Casillas đã không chọn cách ấy.
Anh chọn cách ở lại, cố bám lấy cái khung thành quen thuộc, để rồi chứng kiến huyền thoại mang tên "Thánh Iker" vỡ vụn từng ngày, trong khi đội bóng mà anh yêu thương rơi vào cảnh nồi da xáo thịt. Bản thân anh phải nghe những tiếng chửi rủa từ khán đài lẫn trong phòng thay quần áo. Chính đồng đội Alvaro Arbeloa đã huỵch toẹt nói rằng Casillas giống như "khối u" của Real.
Đôi khi cách tốt nhất để giữ lại những kỷ niệm đẹp là buông bỏ. Casillas phải tự trách mình vì anh đã không dám buông và không biết bỏ đúng lúc. Một phần tư thế kỷ ở Real, hơn ai hết Casillas là người rõ nhất cách dùng người với Real. Đấy là CLB đã dám sa thải Fabio Capello hai lần sau mỗi chức vô địch La Liga, cắt hợp đồng với Jupp Heynckes sau chức vô địch Champions League đầu tiên sau 32 năm, "trảm" Vicente del Bosque và thủ quân Fernando Hierro ngay sau giai đoạn thành công thứ nhì trong lịch sử. Các CĐV từng yêu mến Fernando Redondo, Mesut Ozil và Angel di Maria thế nào, ban lãnh đạo vẫn bán họ mà không chút do dự
Ở Real, những gì bạn làm trong quá khứ hoàn toàn không có ý nghĩa trong hiện tại. Raul, Guti, Casillas hay một huyền thoại tương lai nào đó cũng phải hiểu điều đó. Đấy là sự vô tình của bóng đá chuyên nghiệp và cũng là bản chất của Real, CLB luôn xây dựng trên những người đương thời, những hào quang hiện tại, chứ không phải là những gì đẹp đẽ trong quá khứ!
Bố mẹ Casillas chỉ trích mạnh mẽ cách Ban lãnh đạo Real đối xử với con trai của họ, nhưng có lẽ chính Casillas nên tự trách mình nhiều hơn.
Hoài Thương