Theo thỏa thuận, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) dự kiến đầu tư dưới hình thức khoản vay chuyển đổi kỳ hạn 7 năm có khả năng chuyển đổi thành cổ phần của Tập đoàn An Phát Holdings (APH). Trước đó vào ngày 22/6, APH đã phát hành công khai lần đầu (IPO), công bố kế hoạch niêm yết 132,6 triệu cổ phiếu với mục đích kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn. Với dự án này, công ty sẽ chủ động nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn vốn để triển khai dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn khoảng 82 triệu USD. Nhà máy dự kiến khởi công đầu năm 2021 tại Hải Phòng, xây dựng trong khoảng 18 tháng, hoàn thiện vào cuối năm 2022 với công suất 20.000 tấn một năm. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 20-30% cho các công ty thành viên. Tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2023, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn sẽ đóng góp 40-50% toàn trong cơ cấu doanh thu bao bì.
Đây là lần hợp tác đầu tiên giữa APH và IFC nhằm thúc đẩy, đóng góp cho quá trình phát triển, sản xuất và xuất khẩu, sản phẩm, nguyên liệu xanh tại Việt Nam.
Theo IFC, tổ chức này đã phân tích khả năng tài chính, triển vọng phát triển của APH, các công ty thành viên cũng như dự án xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh của tập đoàn. Trong đó, khả năng cạnh tranh và thành công của dự án là yếu tố được IFC đánh giá cao. IFC tin tưởng vào hướng đi phát triển bền vững của tập đoàn này, đánh giá cao trách nhiệm của APH đối với môi trường, xã hội và năng lực quản trị công ty. Do đó, kế hoạch tài trợ khoản vay chuyển đổi IFC dành cho APH có kỳ hạn lên đến 7 năm, dài hơn so với kỳ hạn của các khoản vay chuyển đổi khác trên thị trường.
Bên cạnh đó, tiềm năng thành công của dự án cũng được IFC xếp hạng dựa trên kinh nghiệm thương trường, năng lực của APH thông qua hệ thống cơ sở vật chất hiện đại đồng bộ, cung cấp ra thị trường hơn 96.000 tấn bao bì mỗi năm, sản phẩm có mặt tại gần 70 quốc gia trên thế giới. APH cũng là nhà sản xuất bao bì màng mỏng hàng đầu ở Đông Nam Á và Việt Nam với 20% thị phần xuất khẩu bao bì màng mỏng của Việt Nam.
Về khả năng tạo dựng thị trường cho sản phẩm xanh, IFC đánh giá cao tiềm lực của APH khi doanh nghiệp này đã sản xuất thành công sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, đạt các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Tại Việt Nam, dòng sản phẩm mang thương hiệu AnEco của APH gồm túi, dao, thìa, dĩa... đang có mặt tại các siêu thị và chuỗi khách sạn, nhà hàng lớn như Lotte, Vinpearl, Daewoo, Highlands Coffee...
Tập đoàn An Phát Holdings gồm 15 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác và khuôn mẫu, nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, bất động sản công nghiệp. Tập đoàn này sở hữu trực tiếp hai công ty đang niêm yết là Công ty CP Nhựa Hà Nội (NHH) và Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (AAA), sở hữu gián tiếp hơn 10 công ty con thông qua hai công ty nói trên.
Vào ngày 28/7, APH chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và công bố kế hoạch xây nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến ngày 16/10, vốn hóa của APH đã đạt mức xấp xỉ 414 triệu USD.
IFC là thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân ở các thị trường mới nổi, hoạt động tại hơn 100 quốc gia. IFC có vai trò thúc đẩy thị trường, đẩy mạnh cơ hội tăng trưởng thông qua việc đầu tư vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng. Trong kế hoạch tài chính năm 2020, IFC đã đầu tư 22 tỷ USD vào các công ty tư nhân và tổ chức tài chính ở các nước đang phát triển.
Hà Thanh