Các nhà hoạt động xã hội Pháp chơi trò kéo co bên ngoài khu vực diễn ra hội nghị COP21, nhóm Năng lượng bẩn đã thua trước Nhóm năng lượng sạch. Ảnh: Việt Anh |
"Giá dầu và than đang ở mức thấp, thậm chí than còn khoảng 50 USD mỗi tấn, mức chúng ta chưa từng thấy trong hai thập kỷ qua. Đây chính là nhân tố cảnh báo chính phủ các nước rằng chúng không nên là nguyên nhân để họ thay đổi chính sách hỗ trợ cho năng lượng gió và mặt trời", ông Fatil Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trao đổi với các phóng viên quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris, Pháp.
Theo ông Birol, các nước cần giữ động lực phát triển năng lượng sạch và đảm bảo hiệu suất sử dụng năng lượng đang có. Bởi vì điều này ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu giảm phát thải khí CO2, nhằm đảm bảo nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ, một thoả thuận có tính ràng buộc giữa 195 nước tham gia kỳ vọng được ký kết tại COP21.
Ông Birol cho biết năng lượng là động lực phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng là yếu tố gây ra hai phần ba lượng CO2. Kể từ COP đầu tiên năm 1995 đến nay, tăng trưởng kinh tế thế giới và tăng trưởng CO2 tương đương nhau, ở mức 40%. Do đó các nước cần chia tách hai nhân tố này. Giám đốc điều hành IEA cũng bày tỏ lo ngại mặc dù các nước nêu mục tiêu rõ về giảm phát thải CO2 đến 2030 trong Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định (INDC) nhưng liệu các vấn đề về năng lượng có được triển khai hiệu quả hay không. Khoảng thời gian 15 năm có thể quá ngắn để các nước thay đổi thói quen với năng lượng.
"Việt Nam, cùng các nước đang phát triển khác, tăng trưởng kinh tế là điều rất quan trọng. Khi nhận thấy những cơ hội để thúc đẩy kinh tế, các nước này cần thận trọng để không phạm sai lầm", ông Birol trả lời câu hỏi của VnExpress.
Ông Richard Black, Tổ chức thu thập thông tin về năng lượng và biến đổi khí hậu (Energy and Climate Intelligence Unit), Anh, cho rằng Việt Nam không nên xem xét năng lượng sạch ở góc độ "chi phí hiện nay là bao nhiêu" mà phải tính đến "chi phí ở tương lai như thế nào". Việt Nam có thể phải mất rất nhiều tiền bạc vì ô nhiễm do sử dụng năng lượng hoá thạch gây ra, hệ quả do nước biển dâng và những tác động của biến đổi khí hậu khác đến kinh tế - xã hội.
Bà Amy Dahan Dalmedico, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Alexandre Koire, chuyên về khoa học và chính sách về khí hậu của Pháp, đánh giá Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng sạch. Vị trí địa lý và bờ biển dài giúp Việt Nam có lợi thế lớn cho tăng trưởng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Bà Dalmedico hy vọng khi các công nghệ mới được thúc đẩy, giá thành năng lượng sạch sẽ giảm xuống.
Nhận định về khu vực châu Á, các chuyên gia cùng lưu ý Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia sử dụng nhiều than, thậm chí còn có những báo cáo cho thấy có thêm lượng lớn các mỏ than trong tương lai. Tuy nhiên ba chuyên gia cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của năng lượng sạch, dựa trên các dấu hiệu như các công nghệ mới đang gia tăng, giá năng lượng mặt trời hứa hẹn sẽ sớm bằng giá than, nhu cầu sử dụng than của Trung Quốc cũng giảm so với trước đây."Thách thức lớn nhất với năng lượng sạch là chính sách hỗ trợ của các nước. Chúng thay đổi liên tục và có thể đưa ra tín hiệu sai với các nhà đầu tư. Sự nhất quán là rất quan trọng", ông Birol nói.
Việt Anh (Từ Paris, Pháp)