Các học sinh của cô giáo Yu được mô tả rất tinh nghịch, thực hiện các cuộc thí nghiệm hóa học, gây phản ứng nổ. Sau mỗi tiết học, một học sinh được khiêng cáng đến bệnh viện hoặc được báo tin "đã lên thiên đường".
Thật ra, mớ hỗn độn này đã được lên kịch bản và tập luyện kỹ lưỡng. Bà Yu và các học sinh lớn tuổi đang thực hiện chuỗi phim ngắn trên mạng xã hội có tựa đề Hài kịch tại viện dưỡng lão.
Với hơn 200 video được đăng tải, thu hút hàng triệu người hâm mộ, loạt phim đã giới thiệu cuộc sống của những người cao tuổi ở viện dưỡng lão một cách hài hước.
Chen Yuan, 53 tuổi, quản lý viện dưỡng lão Jingya, cho biết ý tưởng làm video xuất phát từ việc muốn người cao tuổi được vui vẻ mỗi ngày. Qua các video, trung tâm mong muốn thay đổi nhận thức của xã hội về việc chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão.
"Đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão từng bị coi là hành động bất hiếu, nhưng thực tế họ (người già) đang hưởng cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc", Chen nói.
Người quản lý bắt đầu đăng tải các video ngắn trên mạng xã hội từ tháng 4/2023 với sự hợp tác của người cháu trai tốt nghiệp ngành phát thanh - truyền hình. Ông Feng Yan là người viết kịch bản, quay phim và quản lý tài khoản mạng xã hội.
Chính biểu cảm đáng yêu của các diễn viên lớn tuổi, thái độ gượng gạo khi sử dụng các tiếng lóng của Gen Z trong mỗi video đã thu hút đông người xem. Bên cạnh đó, góc nhìn hài hước khi đề cập đến các chủ đề về sự sống và cái chết đã gây được tiếng vang với khán giả trẻ bởi cách tiếp cận tích cực, nhẹ nhàng.
Jingya chỉ là một trong hơn 1.000 tài khoản kể chuyện về cuộc sống ở các viện dưỡng lão trên mạng xã hội. Báo cáo của chính phủ Trung Quốc năm 2024 cho thấy tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 9,4% năm 2012 lên gần 15% vào năm 2022. Sự gia tăng này khiến giới chức ưu tiên phát triển "nền kinh tế tóc bạc" nhằm tăng cường nguồn cung cho người già.
Sự thay đổi về nhân khẩu học cũng khiến số lượng viện dưỡng lão ở Trung Quốc tăng đáng kể, từ 30.000 năm 2018 lên 41.000 năm 2023, theo Cục Thống kê Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ 3% người cao tuổi chọn cư trú tại những cơ sở trên, một trong những lý do là sự kỳ thị kéo dài của xã hội.
Chen tin rằng các nền tảng video ngắn như Douyin sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các viện dưỡng lão với thế giới bên ngoài.
Cứ một hoặc hay ngày, viện dưỡng lão Jingya lại đăng một video trên mạng xã hội, mỗi nội dung thu hút hơn 5.000 lượt thích. Nguồn cảm hứng của họ đến từ các chủ đề nóng trên mạng xã hội, đồng thời lồng ghép trách nhiệm sống với người trẻ.
Yêu cầu có nhiều video bắt kịp xu hướng nhưng một trong những khó khăn lớn nhất là các diễn viên cao tuổi phải ghi nhớ nội dung, đọc đúng từng câu thoại.
"Người già rất coi trọng việc quay phim. Ví dụ như ông Xu (một thành viên của viện dưỡng lão, 87 tuổi) không ít lần yêu cầu chúng tôi quay lại vì quên mất lời thoại", Feng kể.
Thích diễn xuất nhưng hầu hết người cao tuổi tại viện dưỡng lão không sử dụng điện thoại thông minh. Nhiều người đồng ý góp mặt trong các video ngắn để giải khuây.
Ông Wang, 73 tuổi, là một trong những diễn viên đầu tiên của Jingya. Ông thường đội chiếc mũ nồi màu đỏ yêu thích, đóng vai hiệu trưởng và truyền tải thông điệp tích cực đến khán giả. "Tôi sẽ không quay những nội dung hài hước thuần túy hay thiếu tôn trọng người xem", ông Wang nói.
Sự tham gia tích cực của Wang còn truyền cảm hứng cho Wang Li, 63 tuổi, người từng ngần ngại xuất hiện trước ông kính.
"Khi người già dần rút khỏi xã hội, tầm nhìn của họ trở nên thu hẹp hơn. Nhưng bằng cách quay video cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi và mở rộng tầm nhìn", ông Li nói.
Khi các video ngắn của Jingya ngày càng phát triển, giáo viên hóa học nghiêm túc Yu, ba "học sinh tinh nghịch" gồm Wang Li, Geng Gengru và cha của Chen Yuan là Jiawei trở nên nổi tiếng. Dù không hoạt động tích cực trên mạng xã hội nhưng họ biết đến sự nổi tiếng của mình khi xuất hiện trên báo chí và kênh truyền hình quốc gia.
Bất chấp lưu lượng truy cập trực tuyến tăng đột biến, quản lý viện dưỡng lão vẫn phản đối việc kiếm tiền từ nền tảng thông qua quảng cáo hoặc bán hàng trực tuyến. Đây là cách làm phổ biến của những người có ảnh hưởng trên nền tảng video ngắn trong nước.
"Chúng tôi không kiếm tiền bằng cách bóc lột người cao tuổi", Chen giải thích. Anh cũng nhấn mạnh cam kết của mình trong việc làm các video tập trung vào cuộc sống hàng ngày của họ.
Minh Phương (Theo Sixth Tone)