Các chuyên gia châu Âu và cơ quan phòng vệ dân sự sẽ đánh giá khả năng "sử dụng máy bơm công suất lớn làm nguội dung nham, bảo vệ thị trấn Grindavik và cơ sở hạ tầng quan trọng", Vidir Reynisson, giám đốc Cơ quan Phòng vệ Dân sự và Quản lý khẩn cấp Iceland, ngày 22/11 cho hay.
Phương pháp này từng được sử dụng năm 1973 khi dung nham phun trào tạo vệt nứt cách trung tâm thị trấn đảo Heimaey 150 m, khiến người dân bất ngờ lúc bình minh. Cư dân đảo đã làm chậm và kiểm soát dòng chảy dung nham thành công bằng cách bơm nước biển vào nó.
"Một đội kỹ thuật sẽ tới Iceland tối nay hoặc sáng mai và giúp chúng tôi đánh giá các phương án", Reynisson nói thêm.

Đường sá nứt toác vì địa chấn do núi lửa hoạt động ở Grindavik ngày 13/11. Ảnh: AFP
Thị trấn Grindavik nằm ở bán đảo Reykjanes, phía nam Icealand, có dân số 4.000 người. Người dân đã được lệnh sơ tán hôm 11/11 sau khi dung nham dịch chuyển dưới lớp vỏ Trái Đất gây ra hàng trăm trận động đất và giới chức cảnh báo khả năng núi lửa phun trào. Hàng nghìn cơn địa chấn nhỏ đã làm rung chuyển khu vực từ đó tới nay.
Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Iceland tối 22/11 cho biết khả năng xảy ra phun trào đột ngột "đang giảm" do dòng dung nham và hoạt động địa chấn yếu đi. Giới chức cho hay tình trạng khẩn cấp áp dụng từ 11/11 sẽ được dỡ bỏ vào 23/11. Cư dân sẽ được phép quay lại thị trấn để lấy đồ đạc.
Iceland có 33 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhiều nhất ở châu Âu và trung bình cứ 4-5 năm lại phun trào một lần. Grindavik nằm gần nhà máy địa nhiệt Svartsengi, nơi cung cấp điện nước cho 30.000 cư dân trên bán đảo Reykjanes, đồng thời nằm gần một hồ chứa nước ngọt và khu nghỉ dưỡng địa nhiệt Blue Lagoon, điểm du lịch nổi tiếng đã đóng cửa để phòng ngừa núi lửa phun trào.
Hồng Hạnh (Theo AFP)