"Hội đồng đã phát lệnh bắt với hai cá nhân là ông Benjamin Netanyahu và ông Yoav Gallant vì các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh gây ra từ ngày 8/10/2023 đến ngày 20/5/2024, thời điểm công tố viên nộp đơn xin lệnh bắt", Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, thông báo hôm nay, nhắc đến Thủ tướng và cựu bộ trưởng quốc phòng Israel.
ICC còn phát lệnh bắt Mohammed Diab Ibrahim Al-Masri, còn gọi là Mohammed Deif, thủ lĩnh cánh vũ trang cùa lực lượng Hamas ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Israel Gideon Saar nói ICC "đã mất toàn bộ tính chính danh" sau khi phát lệnh bắt ông Netanyahu và Gallant. "Thời khắc đen tối đối với ICC", ông Saar viết trên X, thêm rằng cơ quan này "phát những lệnh bắt vô lý, dù không có thẩm quyền".
Hamas hoan nghênh động thái của ICC với ông Netanyahu và ông Gallant, cho rằng tòa nên mở rộng lệnh bắt với toàn bộ lãnh đạo của Israel. Nhóm không đề cập đến lệnh bắt nhằm vào chỉ huy Deif.
Hãng tin Hà Lan ANP dẫn lời Ngoại trưởng Caspar Veldkamp cho biết Amsterdam sẵn sàng thực hiện lệnh bắt của ICC đối với ông Netanyahu nếu cần thiết.
Trong lệnh bắt được đề xuất hồi tháng 5, công tố viên ICC Karim Khan nhắm đến các cá nhân gồm ông Netanyahu, ông Gallant, cùng các lãnh đạo hàng đầu của Hamas khi đó gồm Yahya Sinwar, Ismail Haniyeh và Mohammed Deif. Ông Khan cáo buộc họ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza.
Ông Khan đầu tháng 8 hủy đơn xin lệnh bắt Ismail Haniyeh, sau khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát ở Iran. Yahya Sinwar sau đó kế nhiệm ông Haniyeh và thiệt mạng khi chạm trán lực lượng Israel ở miền nam Gaza hồi giữa tháng 10.
Đối với Mohammed Deif, quân đội Israel nói ông đã bị hạ sát trong cuộc không kích ngày 13/7 ở miền nam Gaza, song Hamas phủ nhận thông tin.
Hamas ngày 7/10/2023 tấn công Israel, gây thương vong lớn và bắt hàng loạt con tin. Israel mở đợt tấn công vào Dải Gaza để đáp trả Hamas, khiến hơn 44.000 người thiệt mạng và hơn 104.200 người bị thương, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, theo cơ quan y tế Gaza.
ICC được thành lập năm 2002 và trụ sở tại Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Israel không tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, do đó không công nhận thẩm quyền của tòa. Mỹ, đồng minh của Israel, và Nga từng tham gia ICC nhưng sau đó đã rút lui.
Dù Israel không gia nhập ICC, tòa án này có thể điều tra những tội ác được thực hiện trên lãnh thổ thành viên, trong đó có Nhà nước Palestine tham gia Quy chế Rome từ năm 2015. Bởi vậy, ICC có thẩm quyền truy tố và phát lệnh bắt với bất kỳ ai liên quan đến các cáo buộc ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Theo quy định, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt nếu ông Netanyahu, ông Gallant và Deif tới lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, động thái của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng, vì quan chức bị phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Như Tâm (Theo Reuters)