- Anh có bao giờ tìm lại được chiếc Fido Dido (chiếc xe đạp BMX thuở bé mà Zlatan từng nhắc đến trong quyển tự truyện nổi tiếng "Tôi là Zlatan Ibrahimovic")?
- Không. Nó bị bọn trộm lấy đi và tôi không bao giờ có thể tìm lại được. Nhưng có lẽ đó là luật nhân quả, khi tôi cũng từng ăn trộm không biết bao nhiêu chiếc xe đạp khác. Dù sao cũng tiếc, vì đó là chiếc xe đạp tôi rất thích.
- Giả sử có thể tìm ra thủ phạm, anh sẽ làm gì với hắn ta?
- Tôi sẽ mua cho hắn một chiếc mới và lấy lại chiếc của tôi.
- Anh từng kể về chuyện này rất nhiều lần trong cuốn tự truyện của mình. Anh có nghĩ đó là bước ngoặt trong cuộc đời không? Vì theo một cách nào đó, nó khiến anh thôi trở thành nạn nhân để dấn bước trở thành một kẻ cắp?
- Không. Thời đó tôi còn "trẻ trâu" và ngu ngơ. Tôi phải làm mọi kế để sinh nhai. Tôi cần xe đạp để di chuyển. Thậm chí phải ăn trộm để mưu sinh. Từ khi chiếc xe đạp ưa thích bị mất, tôi không ngừng lấy trộm những chiếc xe đạp khác. Không phải vì tôi không đủ tiền để tự mua chiếc mới, mà vì đó là cách để sống. Đúng là hành động ấy sai trái... (Ibra im lặng một lúc), nhưng anh đâu còn cách nào khác nếu muốn sinh tồn, phải không?
- Thế bây giờ, anh muốn lấy trộm điều gì từ bóng đá để trao cho cậu nhóc Zlatan ngày đó?
- Chẳng có gì. Tôi bây giờ sẽ nói với tôi ngày đó rằng hãy cứ kiên trì. Có công mài sắt có ngày sẽ nên kim. Thành quả rồi sẽ đến từ công sức lao động. Tôi từng chăm chỉ chứ không phải không, nhưng tôi ngày trước lại thiếu đi sự nhẫn nại. Tôi chỉ muốn đạt được mọi thứ nhanh nhất có thể. Tôi sẽ nói với mình ngày ấy: "Zlatan, hãy kiên nhẫn. Hãy nỗ lực làm việc và tin tưởng vào bản thân."
- Vậy anh đã học cách kiên nhẫn như thế nào?
- Còn trẻ mà học được tính đó thì tôi đi đầu xuống đất! Chỉ khi nào đủ già dặn như tôi bây giờ, anh mới hiểu kiên nhẫn là gì. Khi còn trẻ, đầu anh nghĩ đến đủ thứ, lại còn sung máu, muốn khám phá thế giới và muốn học hết tất cả, cho nên không đơn giản đâu. Phải đến một lúc nào đó khi được những người có kinh nghiệm dìu dắt, họ mới giúp cho anh chậm rãi, từ tốn trở lại và nói cho anh biết đâu mới là sự thật trong cuộc đời này.
- Di sản mà Zlatan Ibrahimovic để lại một khi kết thúc sự nghiệp sẽ là gì?
- Tôi chịu. Hy vọng là tôi có thể để lại được điều gì đó, để cho thấy là tôi cũng có ích, là tôi đã làm được việc. Biết đâu sẽ là những ý tưởng. Đó là tin vào bản thân mình, có cá tính riêng, cũng đừng ngại do dự nếu bản thân đang suy nghĩ điều gì khác, và luôn luôn cởi mở.
- Vậy có bao giờ anh phạm sai lầm chưa?
- Ngày nào tôi chẳng phạm sai lầm. Nói đâu xa, ngay lúc này đây, trò chuyện với các anh thôi cũng là sai quá sai (Ibra cười).
- Ừ, chúng tôi cũng đang cảm thấy sai... (Ibra cười).
- Không. Thật ra thì ngày nào chúng ta cũng làm sai một chuyện gì đó. Nhưng cũng nhờ vậy mà chúng ta mới hoàn thiện hơn. Đâu có ai là hoàn hảo.
- Anh tự hào nhất về điều gì?
- Tôi tự hào về những gì đã làm. Tôi xuất thân từ một nơi mà ai nấy cũng đều bình phẩm về tôi, họ đều chỉ nói về hai từ "Không thể". Mọi người cứ thế nói vào mặt tôi: "Phải rồi, cậu ta chẳng có gì xuất sắc." Nhưng tôi vẫn tồn tại đấy thôi, tôi đứng đây, ở tuổi 39, vẫn xỏ giày ra sân bình thường. Thế là tôi tự hào.
- Liệu anh còn có thể hay hơn?
- Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có thể tốt hơn ngày hôm qua. Quan trọng là phải có chí khí.
- Kể cả anh bây giờ?
- Đúng vậy. Ai cũng có thể trở thành phiên bản hoàn thiện hơn. Trong đầu, tôi luôn tự thôi thúc bản thân phải nỗ lực hết mức và tôi đã như thế. Tôi có thể hay hơn nữa không à? Có người sẽ nói có, có người sẽ nói không. Chuyện đó thì còn tranh cãi dài dài.
- Chính xác thì giờ đây, anh có cảm thấy phát mệt với ý kiến từ truyền thông, từ người hâm mộ hay nói chung là tất cả?
- Công việc này vốn như thế. Tôi đâu có quyền lựa chọn, nhưng khi nào anh giỏi như tôi, những chuyện như thế ắt sẽ đến và anh phải học cách chấp nhận.
- Anh sẽ nói gì với những người tuyên bố rằng anh chỉ là cầu thủ lớn của những trận cầu nhỏ?
- Chín người mười ý. Ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của họ.
- Vậy lúc còn trẻ, những lời lẽ đó có khiến anh cảm thấy phiền phức?
- Không hề. Nó như thể trút thêm dầu vào lửa. Nó càng thôi thúc tôi nỗ lực hơn. Nói cách khác, nó có tác dụng ngược khi mang lại cho tôi thêm động lực, như nhiên liệu để tôi càng tiến lên và giúp tôi không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Tất cả những lời chỉ trích nhận được, tôi biến chúng thành nhiên liệu nhóm lên ngọn lửa và trích xuất năng lượng từ đó.
- Vậy anh có cảm thấy hối tiếc điều gì không?
- Không. Những gì diễn ra trong cuộc đời đều có lý do của nó.
- Ngay cả việc chưa bao giờ vô địch Champions League?
- Không. Anh nghĩ rằng chỉ cần giành Champions League, tôi sẽ còn xuất sắc hơn à?
- Đúng là không cần thiết. Ronaldo "Người ngoài hành tinh" cũng đâu có giành Champions League...
- Chính xác. Nếu vô địch Champions League, quá tuyệt vời! Tôi thì không có được nó, nhưng như thế cũng không khiến tôi bớt hay đi. Chuyện đó cũng giống như người khác nói với tôi: "Này Zlatan, không vô địch World Cup nghĩa là không xuất sắc." OK... làm người Pháp sẽ dễ vô địch World Cup hơn làm người Thụy Điển. Trở lại với câu chuyện Champions League, cái gì càng khiến anh chờ đợi, anh sẽ càng cảm thấy nó có giá trị hơn đúng không? Thế nên bản thân tôi vẫn còn những hoài bão. Ở cấp CLB, tôi đã giành được mọi thứ, ngoại trừ Champions League. Nhưng tôi chẳng có gì phải than phiền, vì tôi đã làm được nhiều thứ hơn khối người. Vậy là vui rồi.
- Anh cũng chưa từng giành được Quả Bóng Vàng. Anh thiếu Quả Bóng Vàng hay lịch sử Quả Bóng Vàng thiếu anh?
- Chắc chắn là lịch sử Quả Bóng Vàng thiếu tôi rồi.
- Anh từng về thứ tư trong đợt bình chọn năm 2013. Đó cũng là thành tích tốt nhất anh từng giành được. Anh có thấy không bình thường khi bản thân chưa từng giành được danh hiệu đó?
- Tôi muốn nói thế này... Cầu thủ nào cũng đều muốn giành một giải thưởng nào đó để chứng minh cho cả thế giới rằng mình mới là số một. Sâu trong thâm tâm, tôi cảm thấy mình là số một thế giới. Đồng ý rằng đó là giải thưởng danh giá, nhưng lại dựa trên những lá phiếu bình chọn của người khác. Trong khi bản thân các anh, những người đi bỏ phiếu, các anh hiểu rõ vì sao tôi không thể giành được nó chứ! (Ibra cười)
Đâu chỉ tờ France Football bình chọn, mà còn là những nhà báo thể thao trên toàn thế giới mà.
- Messi và Cristiano Ronaldo từng giành được các Quả Bóng Vàng. Họ có gì mà bản thân anh thiếu?
- Nếu anh đang nói về những phẩm chất bên trong mỗi cầu thủ, họ có gì tôi có đó. Còn nếu anh nhìn vào những danh hiệu, phải, tôi chưa từng vô địch Champions League... Nhưng tôi không rõ các anh tính toán ra làm sao. Bản thân tôi không phát cuồng vì chuyện đó. Vì tập thể xuất sắc thì cá nhân mới trở nên nổi bật. Cá nhân sẽ không thể giỏi nếu tập thể không đủ tốt.
- Anh nhìn thấy mình ở đâu trong lịch sử bóng đá thế giới? Giả sử có một cái mâm, anh sẽ ngồi ở đâu trên chiếc mâm ấy?
- Ý anh là sao?
- Ý tôi là anh sẽ ngồi đâu quanh chiếc mâm ấy?
- Tôi không cho rằng so sánh các cầu thủ với nhau là điều hợp lý. Mỗi cầu thủ thi đấu ở một thời kỳ, trong một thế hệ với những người đồng đội khác nhau... Làm sao so sánh được! Tôi chỉ nghĩ mỗi người đều có câu chuyện của riêng họ và anh phải nhìn nhận như thế. Chiếc mâm của tôi vì thế sẽ toàn các vấn đề.
- Anh có nghĩ là vì tính khí của bản thân mà anh bị cho ra rìa?
- Tôi đơn giản là chính tôi thôi. Mọi người đều cố gắng trở nên hoàn hảo. Tôi sẽ chỉ nói: "Hãy là chính mình và đó mới là ý nghĩa của sự hoàn hảo." Ai rồi cũng phải khác, nhưng tôi không như vậy, tôi không thay đổi chỉ vì muốn thành công. Thay đổi làm gì cơ chứ! Tôi vẫn sẽ tiếp tục là chính mình, bất kể chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa. Tôi chơi bóng theo kiểu của tôi, tôi muốn chơi như thế và cùng tập thể của mình giành chiến thắng, cái gì đến rồi sẽ đến. Tôi không chọn lựa để trở nên nổi tiếng... Tôi không hiểu ý của anh là gì khi nói "bị cho ra rìa". Công việc này nó vốn vậy mà, anh giỏi thì anh sẽ trở nên nổi tiếng, vì anh được chú ý tới. Cái gì cũng có hệ quả của nó.
- Ý tôi không phải là "bị cho ra rìa", mà là vượt ra ngoài khuôn khổ bóng đá ấy...
- À à. Nhưng ngay cả khi như thế thì nó cũng liên quan đến câu chuyện trên sân cỏ cả thôi. Mọi người sẽ bàn về anh, nhưng nếu anh chỉ là một cầu thủ hạng xoàng, sức mấy anh trở thành một biểu tượng được. Với tôi, khi đó anh chỉ là một thằng hề.
- Vậy trong bóng đá có nhiều anh hề lắm à?
- Cả rổ... Cả rổ luôn.
- Mới đó anh vừa nói: "Trở nên hoàn hảo..."
- (Ibra cắt ngang lời) Tôi nói ai nấy cũng muốn trở nên hoàn hảo và cũng có người tạo nên cá tính riêng. Tôi nói làm chính mình chính là sự hoàn hảo bên trong mỗi bản thân. Cũng như khi anh hỏi tôi có từng phạm sai lầm hay không ấy. Dĩ nhiên là tôi từng phạm sai lầm rồi, nhưng bất kỳ ai nghĩ rằng họ hoàn hảo thì có nghĩa là họ cũng nghĩ bản thân chưa bao giờ phạm sai lầm.
- Phải, nhưng trong mắt anh, là chính mình mới là hoàn hảo?
- Đó là những gì tôi muốn nói, đó chính là sự hoàn hảo. Nhưng tôi không cố để trở nên hoàn hảo, tôi đơn giản chỉ là chính mình mà thôi. Vậy nên như thế mới là hoàn hảo. Nhưng như tôi nói rồi, điều đó không có nghĩa là tôi không phạm sai lầm, tôi có chứ. Tôi còn nhớ lúc mới tới Mỹ, người ta từng chọn ra 20 VĐV để lập nên một đội hình hoàn hảo. Tôi có mặt trong tập thể ấy. Đơn giản bởi vì tôi là chính mình. Trước khi phỏng vấn, tôi không cần hỏi anh xem những câu hỏi là gì, trong khi hầu hết những người khác đều muốn biết. Đến khi thực hiện xong cuộc phỏng vấn, những người khác đều muốn đọc lại bài báo để xem bản thân có nói hay hay dở. Tôi ấy hả, tôi không thèm. Tôi chẳng quan tâm!
- Ở PSG, anh từng tuyên bố trong ngày ra đi rằng: "Tôi đến như một vị vua và ra đi như một huyền thoại." Giờ ở Paris có còn huyền thoại nào kế thừa anh không?
- Như tôi đã nói rồi đó thôi, mỗi cầu thủ có câu chuyện của riêng họ. Tôi đã có câu chuyện của riêng mình ở PSG. Giờ, đến lượt người khác tự họ khắc ghi tuyên ngôn của mình lên bia đá. Cá nhân tôi thì đã viết: "Tôi đến như một vị vua và ra đi như một huyền thoại." Câu này tôi giữ tác quyền, những người khác tự mà tìm câu khác đi.
- Cuộc sống có phải là một chuỗi tiếp nối của những câu chuyện, luôn có mở đầu và luôn có kết thúc?
- Lúc nào cũng vậy. Quan trọng là anh mở bài ra sao và kết bài thế nào. Nhưng nếu giành được thành tựu, người khác sẽ luôn nhớ tới anh.
- Chuyện khiến chúng tôi phải nhớ về anh quan trọng đến thế cơ à?
- Không. Tôi làm tốt công việc của mình và tôi đến để góp sức, để giành chiến thắng và làm nên sự khác biệt trên sân. Tôi không bắt ai phải nhớ đến mình. Mọi người nhớ đến anh, bởi vì anh đã đạt được điều gì đó. Chỉ thế thôi!
- Anh là kẻ ngạo mạn hay tự phụ?
- Tôi là người tự tin. Không ngạo mạn, cũng không tự phụ. Ai ngạo mạn sẽ gọi tôi là kẻ ngạo mạn. Còn người thông minh sẽ gọi tôi là người thông minh.
- Được người khác đánh giá là đặc biệt chắc mang lại cho anh cảm giác sung sướng lắm nhỉ?
- Tôi không đặc biệt. Tôi chỉ là người bình thường.
- Vậy những câu chuyện và sự nghiệp khiến anh trở nên đặc biệt phải không?
- Đó lại là chuyện khác. Mọi người đều bình đẳng và bình thường như nhau. Chúng ta chỉ khác biệt theo cách của mình, nhưng về bản chất, chúng ta đều như nhau.
- Cách anh hành xử và thể hiện cá tính là để che giấu đi những khuyết điểm của bản thân?
- Lúc nào anh đạt đến cái tầm như tôi, anh sẽ không còn sự lựa chọn. Tôi ở đây không phải để chia sẻ về cuộc sống của mình với cả thế giới. Tôi là một cầu thủ chuyên nghiệp, tôi chia sẻ những gì tôi muốn chia sẻ. Tôi không phải gã hề trên Instagram mà sáng nào cũng thức dậy và nghĩ xem nên đăng bức ảnh nào cho đẹp để nói lời chào đến người hâm mộ. Tôi muốn chia sẻ những thứ từ đời sống chuyên nghiệp của bản thân. Đời sống riêng tư với tôi rất quan trọng và tôi không muốn chia sẻ chúng. Còn với đời sống chuyên nghiệp, tôi chia sẻ vì đó là một phần trong công việc. Tôi không che đậy gì hết. Tôi chỉ tìm cách giữ những gì thuộc về riêng tư cho bản thân mình.
- Anh có nói về sự tự tin, đó có phải là cách để che giấu đi phần dễ vỡ trong con người anh?
- Không luôn. Khi anh tự tin, anh sẽ tin tưởng vào những gì mình làm và tin tưởng vào bản thân mình. Nó đúc nên con người anh. Có thể nó cũng giúp anh có thêm lợi thế, khiến anh cảm thấy dễ chịu. Nhưng không phải để che giấu điều gì cả. Nó là chí khí, chứ không phải sự yếu đuối. Nó là sức mạnh, là nguồn năng lượng.
- Phải chăng thông qua cách hành xử, anh muốn xua tan tất cả những gì dễ tổn thương nhất của bản thân? Cứ mỗi lần như vậy, có phải anh đều hồi tưởng lại thời tuổi thơ ở Rosengard, khi anh từng bị mỉa mai là "đồ nhu nhược"? Bị xúc phạm như thế chắc khiến anh cảm thấy tổn thương lắm phải không?
- Không. Tôi cũng dễ bị tổn thương, vì tôi có cảm xúc, có những điểm yếu, có những thứ khiến tôi đau lòng. Tôi không phải người khổng lồ xanh Hulk. Tôi cũng không phải Siêu nhân Superman. Trên sân hay ngoài đời, mọi người có thể sẽ luôn thấy tôi là người tự tin, nhưng tôi cũng dễ bị tổn thương. Tôi có những khuyết điểm và xúc cảm như bao người. Chuyện đó vốn dĩ rất bình thường.
- Tuy vậy, vẫn đóng vai Superman hoặc Hulk mà phải không?
- Tôi không nghĩ mình từng vào vai nào cả. Tôi chỉ là chính tôi. Không hơn không kém... (Ibra chần chừ) Tôi muốn nói rằng tôi được dạy dỗ như thế, lớn lên và kinh qua cuộc đời, tôi đúc kết nên kinh nghiệm cho bản thân và giúp tôi trưởng thành. Giờ, tôi có một gia đình và hai đứa con, đó là một phần của cuộc sống. Tôi bước qua những chương mới trong cuộc đời. Tôi từng có những thời khắc sóng gió, những cột mốc hạnh phúc, cả những quãng thời gian bình thường. Anh trải qua hết tất cả và chúng làm nên con người anh của hiện tại. Tôi là tôi của lúc này. Có thể trong vòng sáu tháng hay một năm nữa, tôi sẽ trở thành một con người khác. Mọi thứ còn tùy thuộc vào những biến động của dòng đời. Tôi đâu phải 35, 30 hay mới 25 tuổi. Cách tôi tư duy không còn như trước. Nhưng tôi vẫn sẽ là chính mình. Chuyện đó mới quan trọng. Tôi trưởng thành hơn, tùy từng hoàn cảnh mà tôi có cách ứng phó khác nhau, cả trên sân lẫn ngoài đời. Tôi muốn gặt hái thành quả từ sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao, chia sẻ kinh nghiệm bản thân với các đồng đội đến lâu nhất có thể.
- Cũng gần 40 tuổi rồi, giờ anh có còn là một gã bặm trợn nữa không?
- Nhưng mà trời ơi, các anh thật sự coi tôi như một tay găng-tơ à? (Ibra cười) Anh có ảnh của tôi mà... Tôi đâu phải găng-tơ. Nếu chỉ vì tôi cao gần 2 mét và vẫn cơ bắp cuồn cuộn, thì là bởi tôi tập luyện chăm chỉ, chứ đâu phải vì tôi là dân đầu đường xó chợ ở khu Venice Beach, và đâu phải cả ngày tôi đều dùng đến "cơ bắp". Tôi sinh ra đã có tạng người như thế, cha mẹ tôi đều to cao, nên tôi thừa hưởng gene đó. Tôi cố gắng điều chỉnh lối chơi của mình sao cho phù hợp với tạng người và cả tuổi tác như bây giờ. Tôi không còn nhanh như hồi 25 hay 30 tuổi, dẫu vậy tôi luôn nỗ lực hết sức vì tập thể. Nhưng tôi không bặm trợn như các anh nghĩ đâu.
- Vậy anh có dễ thương không?
- Có chứ. Nếu quen biết tôi, các anh sẽ thấy tôi có trái tim nhân hậu. Bằng không, tôi sẽ là gã đáng ghét trong mắt các anh.
- Anh thích được tất cả mọi người yêu quý chứ?
- Không. Tôi chỉ muốn mọi người thừa nhận mỗi khi tôi làm điều gì đó có ích. Được yêu quý hay bị ghét... Ý tôi muốn hỏi, yêu thương là gì? Kể tôi nghe xem! Yêu thương chỉ xuất phát từ những người gần gũi, những người thân của anh mà thôi. Ví dụ như cả những người hâm mộ nữa. Chẳng hạn khi tôi còn ở Inter, người hâm mộ yêu thương tôi, nhưng khi tôi ra đi, không còn tình yêu nữa. Vậy thì, yêu thương là gì?
- Là gia đình, những người thân bên cạnh anh...
- Chính xác. Khi bạn làm việc tốt, bạn được yêu quý, nhưng rồi bất thình lình, bạn không còn được yêu thương nữa. Thế mà gọi là yêu à? Đâu phải. Tôi không không cần được yêu quý. Tôi chỉ muốn mọi người công bằng và trân trọng những gì tôi làm nếu tôi làm được việc. Nhưng đó lại là một phần của một thứ vĩ mô. Tôi không tìm kiếm sự yêu quý như những người tham gia vào các hoạt động từ thiện chỉ để người khác nói với họ rằng: "Ồ, anh ta đúng là người tốt bụng!" Nghe cứ giả trân thế nào ấy. Nếu tôi muốn, tôi sẽ làm và không cho một ai biết. Tôi sẽ làm xuất phát từ trái tim. Nhưng một số người thì họ lại xuất phát từ suy nghĩ trong đầu. Họ làm từ thiện để được nhận những lời khen: "Mẹ bà, thằng cha này tốt dữ bay! Nó quyên tiền cho bệnh viện, nó quyên tiền cho quỹ chống Covid-19." Tôi có làm đấy, nhưng tôi không kể lể. "Khác biệt lớn nằm ở chỗ đó."
- Đó phải chăng là mặt xấu nhất của bóng đá ngày nay?
- Thế giới bây giờ là vậy mà! Ai cũng muốn trở nên hoàn hảo cả. Họ muốn xây dựng hình ảnh, kiểu như: "Ôi chao!" Nhưng cuối cùng, sự thật sẽ phơi bày. Chúng ta rồi sẽ biết bộ mặt thật của họ. Cứ nhìn gương Tiger Woods là rõ. Ông ta từng được xem là người đàn ông hoàn hảo nhất hành tinh... Hãy cứ là chính mình thôi, đừng cố gắng tự lừa bản thân và trở thành một ai đó khác. Bằng không, cuối cùng, anh sẽ phải trả giá. Nếu muốn làm gì thì chơi thôi. Đừng làm vì người khác bảo anh phải làm, vì như thế là tốt, hay vì như thế có ích hoặc sẽ giúp anh trở nên hoàn hảo. Cứ như bị lôi kéo, bị thao túng vậy. Tôi thì không muốn như vậy. Những gì các anh nhìn thấy tôi trên mạng xã hội chính là đời sống thực của tôi. Người thực việc thực. Là một, chứ không phải hai.
- Cũng không "trang điểm" gì cả?
- Không qua bộ lọc, không đổ màu. (Vừa ám chỉ không dùng đến chức năng thêm màu sắc cho hình ảnh trên Instagram, vừa có nghĩa không sống hai mặt)
- Khi đặt câu hỏi liệu anh có muốn được mọi người yêu quý, bản thân chúng tôi có suy nghĩ rằng anh đã học thuộc lòng bài quốc ca Thụy Điển. Phải chăng chúng tôi đã sai khi cho rằng anh muốn được thừa nhận hoàn toàn ở quê hương anh?
- Lúc còn nhỏ, tôi không cảm thấy mình là một người Thụy Điển (cha của Ibra là người Bosnia, mẹ của anh là người Croatia). Bởi vì họ khiến tôi có cảm giác rằng tôi khác biệt. Tôi bị đối xử, đánh giá và nhìn nhận theo cách khác... Chính vì thế mà tôi không có cảm giác mình hoàn toàn là người Thụy Điển. Tôi bị khiến có cảm giác đó. Giả sử họ giúp tôi có cảm giác mình cũng như họ, có lẽ tôi ngày ấy tôi sẽ nhìn nhận bản thân mình là người Thụy Điển 100%. Nhưng giờ đây, tôi sẽ nói rằng, mình hoàn toàn là người Thụy Điển. Khi tôi còn trẻ, tôi nghĩ khác về chuyện đó. Còn giờ, khi đã già đi, tôi có được những trải nghiệm, và tôi chính là người Thụy Điển 100%. Tôi đại diện cho một Thụy Điển mới mẻ, cũng là đại diện cho một thế giới mới. Ở Pháp, cũng như vậy.
Vẫn còn người nói về một nước Pháp xưa cũ. Ồ thôi nào! Chúng ta đang sống trong năm 2021! Thế giới giờ đây là một sự pha trộn, với những mảng màu tương phản khác biệt. Song điều đó không phải vì các anh không cảm thấy mình hoàn toàn là người Pháp, hay không phải hoàn toàn là người Thụy Điển. Chỉ là vì khi còn trẻ, anh không thể hiểu hết mọi vấn đề. Đó là một giai đoạn mà anh học hỏi và thu nhặt thông tin từ thế giới để làm tiền đề cho nhận thức. Anh sẽ có những lúc gặp trắc trở. Nhưng cái gì cũng có hệ lụy của nó cả. Ở khía cạnh tinh thần, chỉ cần bạn bị đối xử khác – vì bạn khác biệt trong mắt người khác – bạn sẽ chịu đau khổ. Nó cũng giống như những đứa trẻ bị bắt nạt/quấy rối ở trường học. Nhiều người sẽ nói: "Không sao đâu, chuyện đó rồi sẽ qua." Họ đâu có hiểu rằng những hệ lụy về tâm lý sẽ còn dai dẳng đến nhiều năm sau đó. Đứa trẻ bị bắt nạt/quấy rối có thể rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn và gặp thương tổn tinh thần. Tôi hay nói rằng thà bị đấm một phát đau điếng còn hơn, vì cơn đau chỉ kéo dài có 5 phút. Nhưng khi bị bắt nạt/quấy rối, hậu quả có thể kéo dài đến cả phần đời còn lại.
Những người quan niệm như vậy trưởng thành trong một xã hội cũ, họ dốt nát và nghĩ rằng mình vẫn đang sống trong thế giới cũ. Vợ tôi là người Thụy Điển 100%. Thế nên, các con của chúng tôi sẽ có những sự khác biệt, nhưng chúng vẫn hoàn toàn là người Thụy Điển. Đó mới là điều tuyệt vời. Và đó là thế giới chúng ta đang sống. Một thế giới phẳng, đa chiều và không thành kiến.
- Anh có còn cảm thấy bị phân biệt chủng tộc ở Thụy Điển không?
Cá nhân tôi thì không, nhưng chuyện đó vẫn tồn tại. Đâu đâu trên thế giới cũng có. Lũ người dốt nát vẫn tồn tại, ngay cả khi chúng ta đang ở đây để chia sẻ tình yêu và niềm say mê về những gì thuộc về chuyên môn của mỗi chúng ta. Với tôi, đó là bóng đá. Tôi không chơi gì khác ngoài bóng đá để lan tỏa tình yêu. Cách tốt nhất tôi có thể làm để lan tỏa tình yêu chính là thông qua bóng đá. Chỉ có vậy thôi.
- Quan điểm của anh vẫn khác hẳn với LeBron James thì phải?
- Tôi từng nói rằng chúng tôi không phải những chính trị gia. Chính trị thì luôn gây chia rẽ. Còn bóng đá, trong thế giới của tôi, là để đoàn kết mọi người. Khác biệt rất rõ ràng. Vì tôi có được cơ hội để gặp gỡ và kết thân với những người mà vốn dĩ tôi sẽ không có cơ hội nếu không chơi bóng. Tôi gặp những người từ tứ bề của thế giới. Bóng đá đưa mọi người xích lại gần nhau. Còn chính trị thì gây chia rẽ. Nếu tôi muốn trở thành một chính trị gia, tôi sẽ đi làm chính trị. Chúng ta chỉ nên làm những gì mình giỏi nhất. Thể thao và chính trị là hai phạm trù khác nhau. Nếu anh thông minh, chắc anh sẽ hiểu.
- Chứ không phải vì anh không dám lên tiếng?
- Chuyện tôi có lên tiếng hay không không phải vấn đề. Nó liên quan đến hành động và thông điệp mà anh muốn gửi đi. Chúng tôi, những cầu thủ bóng đá, chúng tôi mang lại tình yêu và niềm vui. Anh đâu thể mang chính trị của anh vào thế giới ấy. Tôi ở đây không phải để gửi đi một thông điệp xấu đến người khác. Tôi ở đây chỉ để giúp mọi người xích lại gần nhau, lan tỏa tình yêu và niềm vui. Đó là ý nghĩa tốt đẹp nhất mà chúng tôi có thể làm. Bóng đá hay thể thao chính là như vậy. Và cũng bởi đó là thứ mà chúng tôi giỏi nhất. Chuyên môn của tôi là đá bóng. Và tôi giỏi đá bóng.
- Điều gì khiến anh cảm thấy buồn lòng?
- Tùy từng giai đoạn trong cuộc đời mà bạn sẽ có những nỗi buồn khác nhau. Giờ tôi có gia đình riêng. Thế nên chính hoàn cảnh hiện tại khiến tôi cảm thấy buồn, khi chúng ta phải sống trong thời kỳ Covid-19, diện mạo thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Tình hình ở Italy đã tốt dần lên, khi tôi đã có thể ra ngoài để ăn uống, cũng như đã có thể gặp mặt mọi người. Chỉ là, cảm giác lúc này thật kỳ lạ! Cứ như thể tôi không còn quen với việc đó vậy. Tôi chỉ có mỗi một mong ước, là về nhà. Tôi không còn quen với những thói quen cũ nữa. Tôi đã quen với việc ngồi nhà, quen với việc đeo khẩu trang suốt một quãng thời gian dài. Sẽ không dễ để quay trở lại nếp sống thường nhật như trước kia. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy, và tất cả chúng ta sẽ tập làm quen trở lại. Mọi thứ khi đó sẽ trở về cái nếp vốn dĩ của nó. Dù chắc chắn sẽ có những hậu quả trong tương lai.
- Vậy anh sợ điều gì?
- Nỗi sợ là gì? Nó còn tùy thuộc vào lăng kính mà anh muốn nói tới. Tôi không sợ phải đương đầu trước những thử thách. Tôi không sợ thử những điều mới mẻ. Tôi chỉ sợ... (Ibra ngập ngừng) sợ bệnh tật. Phải, là bệnh tật. Nhưng anh không thể lo lắng mãi, bằng không sẽ phát điên lên đấy. Đương nhiên tôi có những nỗi sợ, nhưng tôi vẫn là người lạc quan. Hoặc ít nhất, là cố lạc quan.
- Nói về nỗi sợ, khi anh lên chức bố, có phải nỗi sợ lại càng tăng lên?
- Anh không thể nói về nỗi sợ khi nhắc đến chuyện con cái. Thay vào đó, hãy xem đó là điểm yếu. Khi có con, con cái trở thành điểm dễ tổn thương nhất của anh. Ở đây là sự nhạy cảm và cảm xúc. Con cái trở thành điểm yếu của anh. Vì lúc này, anh sống không còn là cho bản thân mình nữa, mà còn vì con cái. Con cái trở thành điều quan trọng nhất với anh. Những gì xảy ra trong cuộc đời của chúng bất giác quan trọng hơn bội phần so với những gì bản thân anh phải đối mặt. Ấy chính là điểm yếu... (Ibra dừng nói). Mà này, các anh, chúng ta đã nói chuyện được 30 phút rồi đấy! Tôi không muốn nói thêm nữa. Tôi có giá lắm chứ bộ!
- Thế giá là bao nhiêu nhỉ?
- Nhiều đấy... Cứ đi mà hỏi PSG!
- Hay cho chúng tôi thêm 5 hay 10 phút nữa đi?
- OK! Được rồi. Vậy đi, nhưng tôi vẫn còn nhiều công chuyện phải làm lắm!
- Chúng tôi muốn hỏi anh về việc giải nghệ. Rời xa bóng đá chắc anh sẽ cảm thấy kỳ quặc lắm nhỉ?
- Chắc là vậy. Với bất kỳ cầu thủ nào, giải nghệ là quyết định khó khăn. Trong suốt cả sự nghiệp, anh như được lập trình. Mỗi ngày, anh thức dậy, ăn sáng, tập luyện, kết thúc buổi tập, rồi có người chăm sóc cho, chuẩn bị cho bữa trưa, anh về nhà, hồi phục, dành thời gian bên gia đình hay thư giãn, cứ ngày này qua ngày nọ y hệt nhau. Anh nhấn nút "lặp lại". Trong đầu như được chạy sẵn chương trình. Và tôi đã như vậy suốt 20 hay 25 năm nay. Cái ngày anh dừng lại, vào buổi sáng đầu tiên, khi thức dậy, anh sẽ tự nói với bản thân mình: "Giờ mình làm cái quái gì nhỉ?" Anh không còn được lập trình nữa và anh bước vào một chương mới của cuộc đời. Chính điều đó mới khiến tôi sợ hãi. Tôi sẽ làm gì đây trời? Dẫu sao, tôi vẫn chưa tới ngày đó. Tôi cũng không muốn nghĩ về ngày đó. Lúc nào nó đến, tôi sẽ nghĩ cách đối phó.
- Ở Pháp, chúng tôi gọi đó là "la petite mort" (tạm dịch là "cái chết ngắn ngủi").
- À phải, chính xác là từ đó. Tuy nhiên, nó sẽ còn tùy thuộc vào bản tính của anh, cách anh hồi phục, cách anh chống chọi, cách anh ứng phó... Nói chung là không dễ...
- Chắc là anh sẽ không muốn buông thả bản thân một khi giải nghệ đâu nhỉ? Chẳng hạn uống những gì mình thích, ăn những gì muốn ăn...
Sau khi kết thúc sự nghiệp, tôi sẽ biến mất hoàn toàn... Khi nào sống đủ lâu trên thế giới này như tôi, anh sẽ biết bản thân mình đã phải trải qua những gì, cả ở thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, tôi chỉ muốn biến mất và tận hưởng cuộc sống.
Cuộc phỏng vấn giữa France Football (các phóng viên Johan Tabau và Thomas Simon) với Ibrahimovic được thực hiện vào ngày 5/5, nhưng đến tháng 9 mới được phát hành, kéo dài trong 40 phút. Khi được yêu cầu chấm điểm cho cuộc phỏng vấn, với thang điểm 10 cao nhất, Ibra đã trả lời: "20 điểm!" Tựa đề bài phỏng vấn mà Ibra muốn đặt: "Này, tôi đã giúp các anh nổi tiếng." Khi được hỏi "Câu hỏi nào mà các phóng viên không nên đặt cho anh?", Ibra đã trả lời: "Đó là chuyện của các anh, chứ có phải tôi đâu! Các anh hỏi, còn tôi trả lời." |
Hoàng Thông (theo France Football)