Trả lời Bloomberg, ông Krishna nói công ty sẽ dừng tuyển dụng những vị trí mà họ đánh giá có thể thay bằng các công cụ trí tuệ nhân tạo trong những năm tới. Nhóm lao động sẽ bị dừng tuyển dụng và chuyển đổi đầu tiên là khối hỗ trợ văn phòng như nhân viên quản trị nhân sự.
Tại IBM, theo Krishna, những vị trí không làm việc trực tiếp với khách hàng chiếm khoảng 26.000 người. "Trong 5 năm tới, có khoảng 30% lao động trong nhóm này bị thay thế bởi AI và tự động hóa, tương đương 7.800 người bị mất việc", ông nói.
Phát ngôn viên của IBM khẳng định việc cắt giảm nhân sự sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và chất lượng sản phẩm của công ty.
Thông báo của Krishna đánh dấu một trong những thay đổi chiến lược lớn nhất về lực lượng lao động của IBM. Ngoài nhóm quản trị nhân sự, công việc lặp đi lặp lại như hành chính văn phòng, văn thư sẽ được tự động hóa. Một số bộ phận quan trọng như đánh giá năng suất của lao động sẽ không bị thay thế trong thập kỷ tới.
IBM hiện có 260.000 nhân viên và tiếp tục tuyển dụng cho các vị trí phần mềm, làm việc trực tiếp với khách hàng. Đầu năm nay, công ty sa thải 5.000 lao động nhưng chỉ trong quý I/2023 đã có thêm 7.000 vị trí mới.
Arvind Krishna trở thành CEO IBM từ 2020. Dưới sự dẫn dắt của ông, công ty đang tập trung vào phần mềm và dịch vụ, thoái vốn dần khỏi các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp như đơn vị cơ sở hạ tầng. Nhờ quản lý chi phí và hợp lý hóa nguồn nhân lực, công ty ghi nhận lợi nhuận tốt và tránh được suy thoái. Giám đốc tài chính James Kavanaugh cho biết việc cắt giảm nhân sự không cần thiết sẽ giúp công ty tiết kiệm hai tỷ USD vào cuối 2024.
Làn sóng sa thải công nghệ đã bắt đầu từ tháng 11/2022 sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter. Tỷ phú gốc Nam Phi xác nhận số nhân viên Twitter đã giảm 80% từ 7.800 xuống 1.500 người. Meta cũng đã sa thải 25%, tức 21.000 nhân viên, trong tổng số 87.000 lao động. Trong khi đó, Amazon đã cho thôi việc 27.000 người. 12.000 lao động tại Alphabet, công ty mẹ của Google, đã mất việc, trong khi con số này ở Microsoft là 10.000 người.
Khi công cụ AI ngày càng tiến bộ và thể hiện khả năng ưu việt trong các công việc không đòi hỏi chuyên môn cao, nhiều chuyên gia bắt đầu lo lắng về nguy cơ thị trường lao động truyền thống bị phá vỡ. Trí tuệ nhân tạo đã cho thấy khả năng vượt trội trong nhiều lĩnh vực từ lập trình đến sáng tạo nội dung, chăm sóc khách hàng. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực viết văn, vẽ minh họa nói thu nhập của họ giảm một nửa từ khi các mô hình AI tạo sinh được giới thiệu đến công chúng.
Khương Nha (theo Bloomberg)