Phần lớn chip máy tính dùng trong các thiết bị ngày nay chế tạo theo công nghệ 7 hoặc 10 nanomet, một số nhà sản xuất cho ra đời con chip 5 nanomet. Con số càng thấp có nghĩa bộ xử lý càng nhỏ và cao cấp hơn. Con chip mới của IBM sử dụng công nghệ xử lý 2 nanomet, một bước tiến lớn đối với linh kiện dùng trong mọi thiết bị từ điện thoại thông minh và đồ gia dụng tới siêu máy tính và phương tiện vận chuyển.
Cách cải thiện hiệu suất của con chip là tăng số lượng linh kiện bán dẫn transistor, bộ phận cốt lõi chuyên dùng để xử lý dữ liệu mà không làm tăng kích thước con chip. Chip 2 nanomet mới chỉ dày cỡ móng tay, chứa 50 tỷ transistor, mỗi transister nhỏ bằng hai sợi ADN, theo phó giám đốc nghiên cứu Mukesh Khare của IBM. Càng chứa nhiều transistor, con chip càng tích hợp được nhiều thành tựu về trí tuệ nhân tạo và mã hóa.
"Khi chúng ta trải nghiệm chiếc điện thoại, xe hơi hay máy tính tốt hơn, đó là vì transistor phía sau đó trở nên tốt hơn", giám đốc nghiên cứu của IBM, Dario Gil, nhấn mạnh.
Con chip mới cho hiệu suất cao hơn 45% và tiết kiệm điện hơn 75% so với phần lớn chip 7 nanomet cao cấp hiện nay. Với chip 2 nanomet, pin điện thoại di động có thời lượng lâu hơn 4 lần, laptop có thể hoạt động nhanh hơn và lượng khí thải của những trung tâm dữ liệu sẽ giảm mạnh do dựa vào con chip hiệu quả hơn.
Theo dự kiến, chip 2 nanomet sẽ được sản xuất vào cuối năm 2024 hoặc 2025.
IBM không phải công ty tiên phong về linh kiện bán dẫn. Khác với Intel (INTC) hoặc Samsung (SSNLF), hãng máy tính này không sản xuất chip với số lượng lớn. Thay vào đó, IBM cấp giấy phép công nghệ xử lý 2 nanomet cho các công ty sản xuất chip.
An Khang (Theo CNN)