Theo IBM, bộ vi xử lý mới của hãng là loại nhỏ nhất và mạnh nhất từng được phát triển, có kích cỡ chỉ bằng móng tay nhưng chứa tới 50 tỷ bóng bán dẫn.
Cụ thể, chip 2 nm của IBM có mật độ 333 triệu bóng bán dẫn trên một milimet vuông. Để so sánh, chip tiên tiến nhất của TSMC với quy trình 5 nm có khoảng 173 triệu bóng bán dẫn, còn chip 5 nm của Samsung là 127 triệu bóng bán dẫn trên một milimet vuông.
Trên mỗi vi xử lý có hàng tỷ bóng bán dẫn, và nm (nanometer) là đơn vị đo kích thước bóng bán dẫn. Kích thước càng nhỏ, vi xử lý càng chứa được được nhiều bóng bán dẫn, giúp hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ví dụ, chip Apple A13 Bionic 7 nm có 8,5 tỷ bóng bán dẫn, trong khi tiến trình 5 nm cho phép 11,8 tỷ bóng bán dẫn được đóng gói trong A14 Bionic mới nhất.
Nhiều bóng bán dẫn hơn trên một chip giúp nhà sản xuất có nhiều lựa chọn hơn để truyền tải các cải tiến lõi, nhằm cải thiện hiệu năng cho những tác vụ hàng đầu như AI và điện toán đám mây, cũng như mở đường cho bảo mật và mã hóa được thực thi bằng phần cứng.
Nhu cầu tăng hiệu suất và tiết kiệm năng lượng trong mỗi vi xử lý chưa bao giờ hạ nhiệt, nhất là trong kỷ nguyên của đám mây, AI và IoT. Công nghệ chip 2 nm ước tính đạt hiệu suất cao hơn 45%, sử dụng năng lượng thấp hơn 75% so với các chip 7 nm tiên tiến hiện nay trên thị trường.
Đại diện IBM cho biết chip 2 nm giúp cắt giảm lượng khí thải carbon của các trung tâm dữ liệu, nơi đang sử dụng 1% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu, tăng tốc xử lý trên thiết bị điện tử, tăng gấp bốn lần tuổi thọ pin điện thoại di động, và góp phần phát hiện đối tượng nhanh hơn, giảm thời gian phản ứng trên các phương tiện tự hành như xe tự lái.
Hầu hết các thiết bị tích hợp chip hiện nay sử dụng công nghệ xử lý 10 nm hoặc 7 nm. Hai nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, TSMC và Samsung, đang cho ra đời các dòng chip theo tiến trình 5 nm, còn Intel vẫn ở giai đoạn 7 nm. TSMC cũng mới chỉ có kế hoạch bắt đầu chuyển sang tiến trình 4 mm vào cuối năm nay trước khi sản xuất hàng loạt trong năm 2022.