Bản cập nhật được WHO công bố ngày 28/1, lần đầu tiên kể từ năm 2007. Danh sách nhằm tư vấn cho các quốc gia về cách dự trữ thuốc cho trường hợp khẩn cấp và tai nạn hạt nhân phóng xạ, phản ánh dữ liệu và nghiên cứu y tế của WHO trong thập kỷ qua.
Maria Neira, Giám đốc Bộ Y tế Công cộng và Môi trường của WHO, cho biết điều quan trọng là các quốc gia và chính phủ "sẵn sàng cung cấp loại thuốc cứu sinh, giúp giảm thiểu rủi ro và điều trị chấn thương do phóng xạ".
"Trong trường hợp khẩn cấp, mọi người có thể tiếp xúc với bức xạ, mức độ từ không đáng kể đến nguy hiểm tính mạng. Các chính phủ cần cung cấp phương pháp điều trị một cách nhanh chóng cho người có nhu cầu", bà nói.
Theo WHO, một kho dự trữ khẩn cấp điển hình gồm i-ốt ổn định để giảm sự tiếp xúc của tuyến giáp với i-ốt phóng xạ; chất thải sắt để đẩy chất phóng xạ cesium, có thể hình thành trong quá trình phân hạch hạt nhân, ra khỏi cơ thể; và các cytokine để giảm thiểu thiệt hại cho tủy xương.
I-ốt là nguyên tố vi lượng cần thiết đối với chế độ dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hormone tuyến giáp của cơ thể. I-ốt rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều trong muối tự nhiên. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo bổ sung i-ốt trong chế độ ăn hàng ngày.
Một số loại thuốc khác điều trị nhiễm trùng, tiêu chảy, nôn mửa hoặc các nguyên nhân gây thương tích và tác hại do phơi nhiễm phóng xạ. Ngoài các loại thuốc và hóa chất, WHO giải thích cách lưu trữ và quản lý, sử dụng thuốc điều trị trong trường hợp khẩn cấp.
Hiện thế giới có khoảng 440 lò phản ứng hạt nhân. 9 quốc gia được coi là cường quốc hạt nhân. Tiếp xúc với chất phóng xạ có thể làm hỏng DNA, gây ra bệnh tim mạch hoặc ung thư. Tiếp xúc với mức độ phóng xạ cao dẫn đến hội chứng phóng xạ cấp tính, gây nôn mửa, buồn nôn, có thể tử vong.
WHO cho biết một số quốc gia thiếu biện pháp chuẩn bị thích hợp cho các trường hợp khẩn cấp về phóng xạ. Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, cho biết danh sách cập nhật này rất quan trọng đối với các chính phủ.
"Đây là công cụ giúp các quốc gia chuẩn bị, sẵn sàng xác định mục tiêu mua sắm, dự trữ và đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả, kịp thời cho những người có nguy cơ hoặc bị phơi nhiễm", ông cho biết.
Thục Linh (Theo The Hill)